Kbang quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Cập nhật 20/9/2013, 14:09:06

Khi nói đến chất độc da cam thì ai trong chúng ta cũng đều biết đây là một thảm họa, một  di chứng nặng nề do chiến tranh để lại. Và những người bị nhiễm chất độc này vẫn phải ngày đêm đối diện với nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Thấu hiểu được nổi đau đó, thời gian qua, huyện Kbang đã có nhiều việc làm quan tâm đến các nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam.         

 

Sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, nhưng không được may mắn như các anh chị của mình, em Nguyễn Hữu Đô-ở tổ dân phố 21, thị trấn Kbang, từ lúc lọt lòng mẹ đã có hình hài không lành lặn bởi di chứng của chất độc da cam. Năm nay đã 14 tuổi nhưng Đô chỉ nặng 13 kg; chân, tay đều bị teo và co quắp lại. Suốt những năm qua, em chỉ nằm một chỗ mà không khóc, không nói gì. Mỗi lần có người đến nhà, em đều biết nhưng cũng chỉ cất lên được vài tiếng gọi ú ớ.  Bà Hoàng Thị Hà–mẹ của em cho biết: Đô bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, do năm 1974 ông có tham gia đi bộ đội ở chiến trường Quãng Trị. Hiện nay hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng vì thương con nên bà phải ở nhà để trông nom Đô. Mọi chi phí cho sinh hoạt trong gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào đất và tiền lương 1,7 triệu đồng mỗi tháng của bố cháu.      

Qua điều tra, khảo sát của các địa phương và ngành chuyên môn, Kbang hiện có trên 850 người bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam đioxin. Trong đó, có hơn 200 người bị phơi nhiễm trực tiếp, còn lại là gián tiếp và có nhiều người là phụ nữ và trẻ em thuộc thế hệ thứ 3.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân, từ năm 2008 đến nay, các cấp Hội trong huyện đã hỗ trợ cho hàng ngàn lượt nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam với tổng trị giá trên 700 triệu đồng. Để có được kết quả trên, cùng với việc củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam – đioxin ở cấp huyện thì Kbang cũng đã chỉ đạo cho các xã, thị trấn thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam. Đây sẽ là điều kiện để các địa phương trong huyện thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc cho các nạn nhân.

Với những việc đã làm được trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam thời gian qua đã góp phần từng bước xoa dịu “nỗi đau Da cam”. Kết quả này sẽ được huyện Kbang tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Bốn-Phó Chủ tịch Hội NNCĐ DC/Đioxin huyện Kbang cho biết: "Hội đang tập trung triển khai 1 số nhiệm vụ về công tác Hội, cho thành lập các chi hội ở thôn, làng, tổ dân phố và tập trung tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng Quỹ để có điều kiện giúp đỡ các đối tượng còn khó khăn trên địa bàn. Hiện tại ở địa bàn huyện Kbang các đối tượng NNCĐ DC còn gặp rất nhiều khó khăn về nhà ở, Huyện hội và các ban ngành sẽ tuyên truyền vận động để xây nhà cho các đối tượng” .

Với sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, hy vọng các nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam – dioxin sẽ phần nào giảm bới đi nỗi đau về thể xác, tinh thần; và ngày càng có thêm nhiều gia đình nạn nhân được đón nhận sự quan tâm, chia sẽ, giúp đỡ của cộng đồng để vươn lên trong cuộc sống./.

Ctv: Hồng Hạnh


Lượt xem: 51

Trả lời