Kbang: Nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả thiết thực

Cập nhật 18/1/2023, 09:01:26

Trong năm 2022, các cấp Mặt trận ở huyện Kbang đã triển khai nhiều mô hình mới nhằm hỗ trợ tích cực đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ cách làm và đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho bà con vùng DTTS trên địa bàn huyện.

Những ngày cuối năm, gia đình chị Đinh Thị Hằng ở làng Rõh – Thôn 3, xã Đông, huyện Kbang tất bật thi công, hoàn thiện căn nhà sau nhiều năm ấp ủ. Tháng 11/2022, khi được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đông tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, gia đình chị đã quyết định thoát khỏi cảnh sống trong căn nhà tranh vách nứa để xây dựng ngôi nhà mới kiên cố, ấm áp hơn.

Chị Đinh Thị Hằng, Làng Rõh – Thôn 3, xã Đông, huyện Kbang nói: “Có bên Mặt trận giúp, gia đình tôi vay thêm Ngân hàng chính sách xây được cái nhà mới. Năm nay Tết có nhà mới để ở không còn mưa gió và lạnh như mấy năm trước”.

 Còn gia đình anh Đinh Quyk ở làng Đăk Ya – thôn 6, xã Đông, huyện Kbang cũng vừa đưa vào sử dụng căn nhà mới có tổng kinh phí xây dựng 80 triệu đồng. Trong đó Mặt trận xã Đông vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ 30 triệu đồng, còn lại là số tiền gia đình tích góp được.

Anh Đinh Quyk, Làng Đăk Ya – Thôn 6, xã Đông, huyện Kbang cũng nói: “Nhà tôi bây giờ được khang trang và sạch sẽ. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí để làm nhà mới”.

Trên đây là 2 trong số 8 gia đình khó khăn về nhà ở vừa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đông hỗ trợ thông qua mô hình “Xóa nhà tạm” nhằm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mô hình này nhận được sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của cấp ủy, chính quyền xã Đông cũng như sự đồng thuận hưởng ứng nhiệt tình của người dân nên mang lại hiệu quả.

Bà Phùng Thị Mi Ni, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đông, huyện Kbang cho biết: “Từ nguồn xã hội hóa, Mặt trận đã hỗ trợ được 3 hộ xóa nhà tạm, với trị giá mỗi căn nhà là 30 triệu đồng. Ngoài ra thì thực hiện Dự án 1 của đề án vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đã hỗ trợ thêm 3 hộ xóa nhà tạm, trong đó nguồn dự án hỗ trợ 40 triệu, ngân sách địa phương hỗ trợ 4 triệu đồng, và gia đình đóng góp thêm. Có 2 hộ đồng bào DTTS tự túc được kinh phí xóa nhà tạm. Đến nay đã được 8 ngôi nhà khang trang sạch đẹp, giúp bà con phát triển đời sống và ổn định nhà ở”.

Không chỉ triển khai các hoạt động theo chương trình “Xóa nhà tạm”, các cấp mặt trận Tổ quốc trên địa bàn huyện Kbang còn vận động, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế cho bà con DTTS.

Gia đình chị Đinh Thị Hmanh, ở làng Lợt, xã Kông Bờ La, huyện Kbang vừa thu hoạch xong diện tích đậu cove. Trên 5 luống đậu, vụ này gia đình chị thu được hơn 1 tấn. Với giá bán 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình chị còn lãi khoảng 15 triệu đồng.

Được biết, chị Hmanh là 1 trong số 11 gia đình ở làng Lợt đã tham gia mô hình “Trồng laghim” để chuyển đổi cây trồng. Đây là mô hình mới,  do Mặt trận Tổ quốc xã Kông Bờ La triển khai để thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Mặt trận Tổ quốc xã hỗ trợ mua giống và vận động các hộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để sản xuất đạt hiệu quả. Hiện tổng diện tích trồng laghim trong làng được trên 2 ha.

Ông Đinh Bdang, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kông Bờ La, huyện Kbang cho biết: “Từ trồng mía, luân chuyển một số diện tích gần nhà, gần nước đủ điều kiện để chuyển sang trồng laghim. Cụ thể là có nhà anh Hoạch, Srươm, chị Hmanh là những hộ rất tâm đắc mô hình này. Xác định đây là công việc rất là nhàn, người phụ nữ có thể làm được, người nông dân tranh thủ mọi thời gian để làm nông nghiệp. Bước đầu từ  năm 2022 thì họ xác định là nguồn thu hàng ngày đều có. Sau khi trừ các chi phí thì họ thấy rằng so với cây mía mức đầu tư nhẹ hơn, thu nhập thì cao hơn”.

 Trong năm 2022, toàn huyện Kbang có 17 mô hình mới được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong huyện thành lập. Các mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế, xây dựng nông thôn mới… để từ đó tăng cường tuyên truyền, phát huy vai trò làm chủ của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Hiệu quả bước đầu từ các mô hình đã và đang mang lại niềm vui cho người dân và giúp họ vững tin hướng về một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn.

CTV Hà Duyệt (Huyện Kbang)


Lượt xem: 22

Trả lời