KBANG: LỚP HỌC ĐIỂM LÀNG GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Cập nhật 25/11/2013, 10:11:04

Hiện nay trên địa bàn huyện Kbang có khá nhiều lớp học ở các điểm trường làng. Cùng với các trường học ở khu vực trường chính thì những lớp học điểm làng này đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục. 

 

Lớp học ở điểm trường làng, xã Nghĩa An, huyện Kbang.

 

Năm học 2013-2014 này, toàn huyện Kbang có khoảng 185 điểm trường làng. Trong đó bậc học Mầm non có trên 80 điểm, với 1.870 học sinh gồm lớp ghép các độ tuổi. Và bậc Tiểu học hơn 100 lớp ghép 2 trình độ với trên 2 ngàn học sinh. Để đảm bảo duy trì việc dạy và học,  cơ sở vật chất của các lớp học ở làng đã được quan tâm chú trọng, nhiều lớp học được xây dựng khá khang trang, đồ dùng học tập được trang bị tương đối đầy đủ. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên giảng dạy ở các lớp điểm làng là những giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, yêu nghề.

 

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng-GVCN lớp 4D, làng Lợt, xã Nghĩa An, huyện Kbang tâm sự: “Giáo viên phải siêng năng và đặc biệt phải đi sớm để vận động học sinh đi học đúng giờ; thường thì phải đến sớm hơn từ 15-20 phút so với cụm chính và đến từng nhà, có thể phân loại học sinh có những em chăm ngoan học tập, các em đi học đều thì duy trì tốt và tuyên dương hàng ngày. Tuy nhiên đối với những em chưa siêng năng, còn ỷ lại, chưa ham học thì phải có biện pháp đến từng nhà, từng hộ gia đình và làm công tác tư tưởng đối với cha mẹ, phối hợp với bố mẹ, anh chị em trong gia đình động viên em đó đi học cho đều bởi các em nghỉ học giữa chừng hoặc là nay đi 1 buổi, mai 1 buổi thì không thể đảm bảo chất lượng học tập hàng ngày của em được”.

 

So với giáo viên dạy ở trường chính thì giáo viên dạy ở các điểm trường làng phải vất vả hơn nhiều. Học sinh chủ yếu là người Bah Nar, khả năng tiếp thu bài chậm nên giáo viên phải hướng dẫn nhiều hơn. Đối với các lớp ghép, trong thời gian 1 tiết học, giáo viên phải dạy cùng lúc 2 trình độ. Cùng với đó, các cô còn phải tăng cường dạy tiếng Việt cho các em… Có thể thấy việc giáo viên đến tận các điểm làng để dạy đã huy động triệt để số lượng các em học sinh trong độ tuổi đến trường, tránh được tình trạng các em người dân tộc thiểu số theo cha mẹ lên rẫy, nghỉ học giữa chừng… Qua đó góp phần thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi cũng như kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn.

 

Em Đinh Thị Đin-Học sinh lớp 5D, làng Lợt, xã Nghĩa An, huyện Kbang thổ lộ: “Làng em có lớp học, em đi bộ không xa, đến trường rất vui, cô giáo rất thương chúng em. Em rất thích đến trường vì có đầy đủ sách, vở, đồ dùng học tập”.

 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay là các lớp học điểm làng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhiều lớp học còn tạm bợ, phải học nhờ ở các nhà rông, nhà văn hóa thôn, làng. Các em học sinh ở đây vẫn còn nhiều thiếu thốn về điều kiện học tập, nhu cầu vui chơi, giải trí…100% các điểm lẻ ở trường chưa có hàng rào và sân bê tông, hệ thống điện, nước sinh hoạt. Do vậy việc quản lý tài sản, tạo các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cho các em rất khó khăn.

 

Có thể thấy lớp học điểm làng đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục. Hy vọng thời gian tới các lớp học ở điểm làng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội để chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao hơn nữa./.

Hồng Hạnh (Đài TT-TH Kbang)


Lượt xem: 51

Trả lời