Kbang – Hướng đến sản xuất rau sạch, rau an toàn

Cập nhật 16/7/2018, 16:07:18

Với nhu cầu cao của thị trường trong việc sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhất là xu hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững của chính phủ, tại Gia Lai các cấp, các ngành đã tăng cường kiểm soát phương thức sản xuất theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của người nông dân. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích và tiêu thụ sản phẩm an toàn vẫn còn là những vấn đề khó giải quyết ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Mô hình sản xuất rau sạch của hộ nông dân Lê Văn Mỹ, ở Thôn 6, xã Đông, huyện Kbang theo phương thức nhà nước và người dân cùng làm. Với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, mô hình không những cho năng suất ổn định mà chất lượng rau đã đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay điều mà người nông dân này còn lo lắng là giá cả và đầu ra cho sản phẩm có chất lượng đảm bảo.

Ông Lê Văn Mỹ, Thôn 6, xã Đông, huyện Kbang cho biết: “Ban đầu bỏ một số vốn khá lớn làm mô hình rau an toàn, dưới sự giám sát của trạm bảo vệ thực vật, làm công phu và rất tỷ mỷ, nhưng hàng làm ra bán ngang giá với rau ở trên thị trường, không có lên giá được. Mong muốn của gia đình là các cơ quan chức năng tạo một cơ sở để bán chứ gia đình gặp nhiều khó khăn, thu hồi vốn rất khó”.

Mô hình của gia đình ông Mỹ là một phần của dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới” do Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Hội Nông dân huyện Kbang triển khai từ nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ. Đây là mô hình điểm để huyện nhân rộng phương thức sản xuất rau sạch, rau an toàn nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình và thay đổi phương thức sản xuất của người dân, thách thức đặt ra cho huyện Kbang là không nhỏ, nhất là việc mở rộng diện tích và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Hồ Viết Cảm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kbang nói: “Thực ra bây giờ với giá cả như mô hình này, bằng với giá của rau bình thường ngoài thị trường thì người dân cũng không mặn mà. Vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm thì về phía Hội nông dân cũng như các cơ quan ở địa phương thì cũng có những tính toán và tìm ra hướng đi phù hợp và bền vững cho những người nông dân. Chúng tôi sẽ liên kết với các doanh nghiệp chuyên mua bán tiêu thụ sản phẩm củ quả. Trao đổi, định hướng đầu tư quy trình như thế nào thì chúng tôi sẽ tham mưu huyện và từ nguồn quỹ của Hội nông dân chúng tôi sẽ hỗ trợ để họ mở rộng sản xuất, quy mô thì mới đáp ứng được vấn đề liên kết theo chuỗi giá trị”.

Bà  Nguyễn Thị Thu – Thôn 3, xã Đông, huyện Kbang cho biết: “Gia đình tôi đang có nhu cầu vay vốn tái sản xuất để nâng cao nhà lồng để sản xuất rau an toàn nhưng mà tôi vẫn băn khoăn đầu ra của rau an toàn liệu có được giá hay không vì giá cả ở đây bấp bênh không ổn định, đầu ra chưa có”.

Hướng đến thay đổi nhận thức của người dân trong việc tuân thủ đúng quy trình sản xuất do cơ quan chuyên môn khuyến cáo được xem là cách đi đúng đắn. Hy vọng, thời gian tới, huyện Kbang sẽ đưa ra những giải pháp thích hợp để nhân rộng những mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn./ .

 Thanh Vui, Minh Vũ


Lượt xem: 77

Trả lời