Kbang là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, như Bahnar, Kinh, Tày, Nùng… Chính sự đa dạng này đã mang lại cho huyện Kbang sự phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn được huyện Kbang đặc biệt chú trọng.
Trong một buổi biểu diễn cồng chiêng
Trong những năm qua, các hoạt động truyền dạy về nghệ thuật dân gian, phát triển các hình thức vui chơi giải trí, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thường xuyên được tổ chức. Công tác khảo sát, bảo tồn và khai thác các loại hình di sản văn hóa ngày càng được quan tâm. Việc sưu tầm các loại hình văn hóa dân gian như dân ca, dân vũ, dân nhạc, các loại nhạc cụ truyền thống được nhiều địa phương chú trọng.
Là người dân tộc Bahnar, ông Đinh Nhôn – 73 tuổi, sống tại làng Nak, thị trấn Kbang, rất tự hào và phấn khởi khi văn hóa của dân tộc mình luôn được chú trọng lưu truyền cho thế hệ con cháu. Ông Đinh Nhôn, Làng Nak, thị trấn Kbang nói: “Hiện nay nhiều Phong tục truyền thống của người Bah nar chúng tôi vẫn tiếp tục lưu giữ, như phụ nữ thì dệt vải, đan khăn, khố, áo. Con trai thì làm nhà, đan gùi,…bà con mình phải luôn nhớ đến truyền thống của ông bà ta hồi xưa: việc đám cưới đám tang, lễ hội phải có cồng chiêng, giao lưu văn hóa thì vẫn phải giữ nét đẹp của mình, không bao giờ bỏ”.
Bahnar là dân tộc bản địa, chiếm khoảng 40% dân số toàn huyện Kbang. Truyền thống đặc sắc của đồng bào Bahnar là nghệ thuật cồng chiêng, dệt thổ cẩm, không gian sử thi Hơ mon… Năm 2005, Cồng chiêng Tây nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; từ đó các phong trào bảo tồn và gìn giữ cồng chiêng ngày càng được lan tỏa rộng rãi. Nếu như năm 1998 trên địa bàn huyện Kbang chỉ có 70 đội cồng chiêng thì đến cuối năm 2014, con số này đã đạt 120 đội; mỗi đội có từ 20 đến 50 thành viên; trong đó có 11 đội chiêng trẻ em và 1 đội chiêng nữ – đây chính là lực lượng nòng cốt góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Tiêu biểu trên địa bàn Kbang hiện có làng Leng, xã Tơ Tung. Làng có 3 đội chiêng: đội chiêng nam nữ, đội chiêng nữ và đội chiêng trẻ em. Riêng đội chiêng trẻ em, thành viên nhỏ nhất mới chỉ 7 tuổi. Chị Đinh Thị Khớp ,thành viên đội chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung chia sẻ:“Chúng tôi phải có trách nhiệm bảo tồn văn hóa của dân tộc mình, nhờ có người già trong làng truyền dạy lại nên chúng tôi phải cố gắng luyện tập để cồng chiêng không bị mai một, để cho con cháu mình sau này nữa”.
Cùng với dân tộc Bahnar, các dân tộc anh em khác di cư đến và lập nghiệp tại Kbang cũng đang tích cực bảo tồn nền văn hóa lâu đời của mình. Bà Hoàng Thị Nga – dân tộc Tày ở xã thôn 2 Lơ Ku; rời quê hương Thái Nguyên vào Gia Lai lập nghiệp, bà Nga còn mang theo cách chế biến những món ăn đặc sản của quê hương để truyền lại cho con cháu và giới thiệu đến nhân dân trong vùng. “Măng nhường” là một ví dụ cụ thể. Món măng thơm và chín bùi, kết hợp với thịt hòa quyện trong bột nếp, cay nồng vị rau thơm là một món ăn mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho người thưởng thức.
“Về món măng nhường đây mình thấy các cụ ở quê mình hay làm vào các dịp ngày giỗ, lễ Tết mình thấy món ăn cũng có đặc trưng. Sau khi mình vào Tây nguyên này mình sợ không ai biết làm nên mình cũng cố gắng dạy cho con mình làm món này”bà Hoàng Thị Nga ,thôn 2 xã Lơ Ku, Kbang xã Lơ Ku nói.
Trò chơi dân gian kéo co
Là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, có điều kiện để xây dựng cho mình một diện mạo văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Với Hội Xuân Lơ Ku được tổ chức hàng năm, đây là dịp giao thoa văn hóa đặc sắc từ các vùng miền. Trong dịp này, người Tày, Nùng vui cùng giai điệu cồng chiêng và thi bắn nỏ với người Ba na; còn người Kinh, Bah nar cũng tham gia ném Còn và chơi các trò chơi truyền thống của dân tộc anh em phía Bắc…Ông Đinh Đình Chi,Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Kbang nói: “Chúng tôi khẳng định rằng, đây là một trong những truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh nói chung. Những nét mới trong hoạt động này khẳng định giá trị về chuẩn mực đạo đức, lối sống được hình thành theo xu hướng nhân văn hơn, nó làm cho ý thức của người dân chúng ta cảm thấy tôn trọng và giữ gìn bản sắc dân tộc mình được nhiều hơn; nếu giữu được bản sắc văn hóa dân tộc có nghĩa là chúng ta giữ lại được mình”.
Với việc quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc sẽ là điều kiện để Kbang phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từ đó tạo nên sự gắn kết, mối quan hệ tốt đẹp giữa cộng đồng các dân tộc. Đây cũng là tiền đề để Kbang sớm hoàn thành việc xây dựng huyện điểm về nông thôn mới./.
Hà Duyệt ( KBANG)
Lượt xem: 81