Huyện Kông Chro nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Cập nhật 21/8/2018, 15:08:51

Kông Chro thuộc huyện nghèo, nằm ở vùng sâu vùng xa, đồng bào DTTS chiếm hơn 70% dân số toàn huyện. Những năm trước đây, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS ở huyện diễn biến rất phức tạp, là thực trạng nhức nhối ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số và sự phát triển của nhiều lĩnh vực tại địa phương. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro bằng những chỉ thị, chương trình hành động cụ thể, trong đó huy động các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong huyện vào cuộc triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nên nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đã giảm đáng kể.

Nằm cách trung tâm huyện Kông Chro hơn 40km, xã Đăk Pling thuộc vùng sâu vùng xa, tiếp giáp với huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên và huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Toàn xã hiện có 546 hộ, gần 2.000 khẩu, trong đó đồng bào Bahnar chiếm hơn 95%. Trước đây, xã Đăk Pling là địa bàn trọng điểm của tỉnh về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn biến phức tạp, đặc biệt có nhiều trường hợp bỏ học để lập gia đình, rồi làm chồng, làm mẹ khi mới ở tuổi 14, 15. Nhưng từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đó là kết quả trong công tác tuyên truyền của cả hệ thống chính trị ở xã vùng khó này.

Ông Đinh Ương – Chủ tịch UBND xã Đăk Pling, Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Đảng bộ xã đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách từng thôn, làng phối hợp với thôn trưởng, già làng và các ban ngành, đoàn thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền ngăn chặn nạn tảo hôn cũng như hôn nhân cận huyết thống”.

Phần lớn người dân ở xã Đăk Pling nay đã nhận biết hậu quả, hệ lụy, tác hại nghiêm trọng của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đây chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm chất lượng dân số và dẫn đến đói nghèo, lạc hậu…

Chị Đinh Thị Thẩm – người dân xã Đăk Pling, huyện Kông Chro, Gia Lai cũng cho biết: “Với trách nhiệm làm mẹ, bản thân tôi đã khuyên con không được tảo hôn. Vì tảo hôn, làm mẹ trước tuổi pháp luật quy định sẽ ảnh hưởng sức khỏe của chính người mẹ và con. Bản thân tôi cũng luôn khuyên con phải chăm lo học hành để có kiến thức để sau này có tương lai tốt đẹp. Không được bỏ học dang dở để lập gia đình trước tuổi pháp luật quy định”.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro và Đề án của UBND huyện Kông Chro về “Giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2016-2020”, các ban ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với 14 xã, thị trấn trong huyện đa dạng hóa công tác truyền thông về pháp luật hôn nhân và gia đình, đặc biệt là thành lập các câu lạc bộ về dân số- kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới, giảm sinh bền vững, “nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”…

Bà Nguyễn Thị Vân – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng và các, thị trấn trong huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến người dân ở các thôn, làng, học sinh ở các trường trong huyện những kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia Lai, về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhiều câu lạc bộ về giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã phát huy hiệu quả”.

Với sự nỗ lực và những giải pháp tích cực của cả hệ thống chính trị huyện Kông Chro, các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện đã giảm đáng kể qua từng năm. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 18 trường hợp tảo hôn, giảm 3 lần với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống./.

 Hà Đức, R’Piên


Lượt xem: 172

Trả lời