Huyện Kông Chro chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai

Cập nhật 16/9/2022, 16:09:55

Trước dự báo về thời tiết năm nay sẽ còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, huyện Kông Chro đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Sau khi xử lý được điểm xung yếu ở làng Brang thì khu dân cư làng Tơ Bưng được xác định là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá của xã Đak Plinh. 20 trong tổng số 103 hộ dân của làng nằm trong diện cần di dời bởi vì những hộ dân này làm nhà trên khu vực đồi dốc; đá cục quanh các triền đồi rất nhiều và thường xảy ra sạt lở đất, đá mỗi khi trời mưa to.

Ông Đinh Hay, Làng Tơ Bưng, xã Đak Plinh, huyện Kông Chro cho biết: “Ở đây mỗi khi trời mưa to thì nước chảy nhiều lắm; xung quanh làng thì đất sạt lở, có khi thì cục đá to lăn xuống. Cũng may là nhờ rừng đây chứ không biết bị sạt lở khi nào”.

Để đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực này, địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; đồng thời, kiến nghị các cấp đầu tư kinh phí để di dời, bố trí nơi ở mới cho 20 hộ dân trong vùng sạt lở nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Ông Đinh Lành, Chủ tịch UBND xã Đak Plinh, huyện Kông Chro nói: “Khi có mưa lớn thì chúng tôi báo ngay cho trưởng thôn để tập trung dân làng trước tiên là di dời con người rồi đến đồ đạc trong gia đình và tập trung sống ở nhà rông để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản. Dân làng Tơ Bưng cũng kiến nghị cấp trên là hỗ trợ kinh phí để di dời các hộ có nguy cơ sạt lở chuyển đến vị trí an toàn”.

Theo thống kê trên địa bàn huyện Kông Chro có 9 điểm xung yếu, thường xảy ra sạt lở, lũ quyét và kèm các hiện tượng thời tiết cực đoan khi có mưa lũ. Do đó, trên tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các cấp, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kông Chro đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân khi có mưa lũ.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Đak Kơ Ninh, huyện Kông Chro cho biết: “Hàng năm thì chúng tôi kiện toàn lại Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của xã, kiện toàn lực lượng, phân công nhiệm vụ và thành lập đội xung kích mỗi mùa mưa bão; ngoài ra thì cũng xây dựng phương án phòng, chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”. Xác định của xã có 2 điểm xung yếu về thiên tai và khi có thiên tai xảy ra thì phân công đội xung kích cắt cử lực lượng trực 2 đầu ngầm tràn không để bà con qua lại; đồng thời, khi có mưa lớn thì vận động bà con di dời vật nuôi, thu hoạch mùa màng đưa lên vùng cao để tránh thiệt hại”.

Mỗi mùa mưa lũ, Kông Chro là địa phương chịu ảnh hưởng khá lớn và gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và người dân. Chính vì thế, việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó sẽ góp phần quan trọng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra./.

Đức Hải, R’Piên


Lượt xem: 28

Trả lời