Huyện Đak Đoa đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Cập nhật 02/10/2023, 06:10:08

Nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường, những năm qua, huyện Đak Đoa đã tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực đặc trưng của địa phương.

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê bột nguyên chất, anh Huỳnh Đức Xuyến, ở Tổ dân phố 2 thị trấn Đak Đoa đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Để đạt các tiêu chí của chương trình, anh đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học để chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.  Đầu tư máy móc hiện đại để chế biến và bảo quản sản phẩm. Năm 2022 sản phẩm cà phê bột nguyên chất của gia đình anh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Anh Huỳnh Đức Xuyến, Tổ dân phố 6, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa nói: “Qúa trình mình xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP là thứ nhất là để nâng cao chất lượng sản phẩm, thứ 2 là đầu tư công nghệ để sản phẩm của mình chất lượng nó cao hơn mục tiêu là đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài”.

Với mục tiêu phát triển kinh tế địa phương theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, sản xuất và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, những năm qua, huyện Đak Đoa đã tập trung thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ động đưa một số loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao như: Chanh leo, khoai lang Nhật, cây dược liệu, các loại cây ăn quả vào trồng để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời áo dụng công nghệ cao vào sản xuất xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest, GlobalGAP, Organic…, thành lập các Tổ hội, Nông hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm tạo sự liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng thực hiện việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp, tổ chức chợ phiên nông sản hàng tháng nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP của địa phương đến người tiêu dùng,…Đến nay huyện Đak Đoa đã được cấp 15 mã số vùng trồng đối với các sản phẩm chanh leo, Sầu riêng, chuối; 3 mã số cơ sở đóng gói gói hoa quả tươi và 01 mã cơ sở đóng gói Sầu riêng, chanh dây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Đak Đoa đã xây dựng được 32 sản phẩm OCOP, trong đó có 23 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 9 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh, như: bộ 3 sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí, sản phẩm bò khô miếng Huy Vũ, Tinh dầu tiêu Lệ chí của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang…Các sản phẩm OCOP của huyện Đak Đoa đã và đang được thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá cao, trong đó có nhiều sản phẩm đã được xuất bán cho một số công ty trong nước và xuất khẩu đi các nước như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ. Đặc biệt, Bộ ba sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí gồm tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen, tiêu xanh của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ xã Nam Yang đã đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ và Châu Âu, đây là nhãn hiệu đã được đăng ký độc quyền, có mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc.

Anh Đoàn Anh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ xã Nam Yang nơi mà mọi người có thể cùng nhau liên kết sản xuất tạo nên vùng nguyên liệu cộng đồng, cùng mua chung bán chung để mà giảm chi phí đầu vào cũng như tăng sản lượng đầu ra. Cũng rất là tuyệt vời vì Hợp tác xã có rất là nhiều bác làm nông rất là giỏi và luôn cập nhật kiến thức về nền nông nghiệp của thế giới nên từ đó mà mọi người cùng trao đổi với nhau để phát triển vùng nguyên liệu về hồ tiêu hữu cơ cũng như là cà phê bền vững”.

Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông sản có chất lượng, bảo vệ môi trường và đảm bảo đầu ra ổn định, huyện Đak Đoa tạo điều kiện để người dân vay vốn mở rộng quy mô phát triển sản xuất chăn nuôi, phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời khảo sát và ký Biên bản ghi nhớ xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP đối với các sản phẩm lúa gạo, rau củ quả, chanh dây và một số cây trồng khác, trong đó giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ sản xuất với quy mô trên 27.900 ha, trong đó có 20.000 ha cà phê.

Ông Lê Tấn Hùng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa trao đổi: “Trong thời gian qua việc triển khai các sản phẩm OCOP trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân, đặc biệt là nâng cao tầm nhận thức của người dân trong quá trình triển khai thực hiện các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm định hướng cho người dân phát triển ổn định và lâu dài đối với các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện”.

Với những kết quả đã đạt được, hiện nay huyện Đak Đoa đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vận động và khuyến khích các Hợp tác xã và bà con nông dân tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương, xây dựng và nâng tầm các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng nhằm nâng cao giá trị nông sản, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển nhanh và bền vững./.

Ngọc Định – Quốc Toản – Phương An – Hồng Viên


Lượt xem: 43

Trả lời