Hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Cập nhật 05/5/2020, 09:05:32

Thực hiện Công văn 3259 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công bố và tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, cụ thể như sau:

Mục đích: Nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân tham gia góp ý, xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị có chất lượng, sát hợp với tình hình thực tế của tỉnh; thông qua đó, giúp các cấp ủy nắm được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để bổ sung, hoàn thiện chủ trương, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu trên tất cả các lĩnh vực trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Yêu cầu: Việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị phải được tiến hành chặt chẽ, khoa học; vừa phát huy được trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, vừa phòng ngừa các đối tượng cơ hội, bất mãn, phản động lợi dụng để xuyên tạc, chống phá đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và Đại hội XIII của Đảng; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Thời gian tổ chức lấy ý kiến: Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo Báo cáo chính trị tiến hành từ ngày 27 tháng 4 năm 2020 và kết thúc vào ngày 31 tháng 5 năm 2020.

Nội dung thảo luận, góp ý kiến:

Nhân dân thảo luận, góp ý kiến theo toàn bộ nội dung hay theo từng phần, từng vấn đề cụ thể trong dự thảo Báo cáo chính trị; tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng sau:

  • Bố cục, kết cấu của Dự thảo Báo cáo chính trị đã hợp lý chưa? Chủ đề (tiêu đề của dự thảo Báo cáo chính trị) và phương châm của Đại hội (“Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”) có cần thay đổi, bổ sung nội dung nào không?
  • Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 (trên các lĩnh vực: về phát triển kinh tế; văn hóa – xã hội; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; về quốc phòng, an ninh, nội chính, đối ngoại; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền và hoạt động của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thế chính trị – xã hội) như vậy đã đúng và sát thực tế chưa? cần thay đổi, bổ sung nội dung nào?
  • Những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đã đúng và thẳng thắn chưa? Cần thay đổi, bổ sung nội dung gì?
  • Dự báo bối cảnh tình hình thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh những năm sắp tới có sát và phù hợp với xu thế phát triển của tình hình thực tiễn không? Nội dung dự báo có cần bổ sung?
  • Về quan điểm phát triển, mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ Đại hội XVI (2020 – 2025) đề ra như vậy có khả thi không? Những chỉ tiêu nào cần điều chỉnh (tăng, giảm), bổ sung?
  • Về nhiệm vụ và các giải pháp (trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế; văn hóa – xã hội; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; quốc phòng, an ninh, nội chính, đối ngoại; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền và hoạt động của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội) mà dự thảo Báo cáo chính trị đã xác định, có cần điều chỉnh, bổ sung làm rõ đảm bảo tính khả thi?
  • Ba chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 – 2025 có cần bổ sung, thay đổi nội dung nào không?

Hình thức thảo luận, góp ý kiến:

Nhân dân thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị bằng các hình thức sau:

  • Gửi ý kiến đóng góp (bằng văn bản, thư góp ý, bài viết…) tới: Báo Gia Lai, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Trang tin điện tử Đảng bộ tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai; các trang tin điện tử, website của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị – xã hội cấp tỉnh; các trang tin điện tử, website của các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
  • Gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản, thư góp ý (viết tay hoặc đánh máy) tới cấp ủy đảng các cấp, như: Đảng ủy xã, phường, thị trấn; huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; ủy ban Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp hoặc gửi về Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
  • Góp ý kiến trực tiếp tại các hội nghị lấy ý kiến nhân dân, các buổi sinh hoạt do cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội tổ chức nhằm góp ý cho Dự thảo Báo cáo chính trị./.

 


Lượt xem: 113

Trả lời