Hồi sinh nơi vùng tiêu chết

Cập nhật 25/2/2020, 08:02:23

Trở lại thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, khác với vẻ hoang tàn, sơ xác cách đây vài năm khi xảy ra hiện tượng tiêu chết hàng loạt, giờ đã được thay thế bằng nhiều loại cây trồng khác mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Có thể cảm nhận được rằng, sức sống mới đang dần được hồi sinh nơi đã từng được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu.

 Khi hơn 1 ngàn trụ tiêu bị bệnh chết, sau một thời gian tìm hiểu, cân nhắc, năm 2014 ông Hồ Đăng Thành ở thôn 5, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê đã về tận Nghệ An để mua giống cam Vinh vào trồng thử nghiệm trên đất tiêu bị chết. Năm nay là năm thứ 3 vườn cam nhà ông Thành cho thu trái. Ông Thành cho biết, năm đầu tiên thu bói được 60 triệu đồng, năm thứ hai 180 triệu, tăng gấp 3 lần. Theo như tính toán của ông Thành, so với cây tiêu thì trên cùng một diện tích thì trồng cam cũng không thua kém gì trong khi công đầu tư, chăm sóc thấp hơn nhiều.

Ông Hồ Đăng Thành, Thôn 5, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Tiêu chết tôi vay NHCSXH 12 triệu đồng để mua giống cam Vinh về trồng. Trước tiên trồng thử nghiệm 200 cây để xem hiệu quả hay không? Đúng là trồng rất hiệu quả, cam này ngọt, cho thu hoạch năng suất cao. Cam mà giá 15 ngàn đồng/kg bỏ sỉ thì thu một năm bình quân 150 triệu, chỉ có 4 sào thôi, thu nhập vậy cũng cao rồi, thoát được cái nghèo. 4 sào đất này nếu mà trồng cà phê là chỉ được 2 tấn cà phê nhân. Như giá hiện tại thì được 60 triệu. Còn trồng cam thì có thể thu 150 triệu, hiệu quả hơn. Còn trồng tiêu thì muôn hình muôn vẻ, nhưng không được thu, trồng được 4 năm chưa kịp thu là chết”.

Trên vùng đất tiêu chết, ngoài loại cây ăn trái có múi thì hiện nay nhiều hộ cũng chuyển sang trồng một số loại rau hoa quả mà thị trường đang khá ưa chuộng. Điển hình như mô hình trồng dâu tây của vợ chồng anh Đỗ Hồng Phúc ở Thôn 4, xã Ia H’Lốp cũng được xem là khá hiệu quả. Với 3000 gốc dâu trồng trên quy mô nửa sào, mỗi ngày bình quân thu hoạch được 10 kg, với giá hiện tại là 100 ngàn đồng/ kg, anh Phúc thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/ngày. Thời gian thu hoạch kéo dài đến 6 tháng, sau đó phá bỏ, trồng mới mất hơn 1 tháng lại tiếp tục cho thu hoạch lại.

Ông Đỗ Hồng Phúc – Thôn 4, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê, Gia Lai bày tỏ: “Bắt đầu làm dâu năm 2014 do mấy năm trước cũng làm tiêu, cà nhưng chết nhiều nên chuyển đổi cây trồng. Đầu tiên cũng nhờ số vốn của NHCSXH đầu tư cho một ít, chuyển đổi qua cây dâu. Hiệu quả kinh tế cao, thấy ổn định hơn tiêu với cà phê. Một mùa làm 6 tháng. 3000 gốc dâu, một ngày thu 1,5 triệu, trừ chi phí còn được 1 triệu. Thấy kinh tế ổn định. So với trồng tiêu thì thấy trồng dâu hiệu quả cao hơn nhiều. Hơn nữa nhàn hơn, không vất vả như làm tiêu. Ví dụ làm dâu có thất bại thì cũng không có thiệt hại như tiêu. Riêng cây dâu thì không thua lỗ, huề vốn, bằng công chứ không lỗ. Ví dụ 3000 ngàn gốc, bình quân 1 ngày thu 15 kg, bây giờ có thấp thì 7 kg…thì không lỗ, còn tiêu chết thì trắng tay”.

Đồng hành cùng với nhiều hộ nông dân bị thiệt hại do tiêu chết, thời gian qua về phía Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Sê đã áp dụng dụng chương trình cho vay giải quyết việc làm để người dân có vốn tái đầu tư sản xuất.

Ông Phan Văn Thuận, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Trong giai đoạn 2014 – 2018 do tình hình dịch bệnh nên các hộ trồng tiêu bị thiệt hại dẫn đến khó khăn trong phát triển kinh tế cũng như trả nợ vay ngân hàng. Trước tình hình đó, NHCSXH huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể tổ chức rà soát, đánh giá, phân tích khả năng trả nợ của các hộ vay. Đối với trường hợp khó khăn, ngân hàng tiến hành xử lý nợ theo quy định như là cho khoanh nợ, gia hạn nợ, cho vay lại để tái đầu tư sản xuất. Trong quá trình triển khai, nhiều hộ vay đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình phát triển và hiện nay có thu nhập ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng”.

 Sự thành công của mô hình trồng cam của ông Thành, dâu tây của ông Phúc trên vùng đất vốn trước đây người dân chỉ quen với cây tiêu cho thấy một điều, chính trong cái khó lại ló cái khôn. Bởi thực tế không chỉ có cây tiêu mà nhiều loại cây trồng khác cũng có thể mang lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định và quan trọng hơn là không nhiều rủi ro như cây tiêu. Tuy nhiên, để ổn định và đảm bảo tính bền vững trong phát triển sản xuất, ngoài sự chủ động của người dân, đầu tư phát triển các mô hình mới, rất cần sự kết nối giữa nông dân với các tổ chức kinh tế để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, trong đó không thể thiếu vai trò của cơ quan nhà nước.

Hồng Uyên, Duy Linh


Lượt xem: 48

Trả lời