Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022  ngành Công Thương

Cập nhật 09/1/2022, 17:01:37

Sáng nay-9/1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Dự Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có đồng chí Hồ Phước Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành Công Thương đã tích cực chủ động, sáng tạo triển khai nhiệm vụ, đạt được kết quả quan trọng. Nổi bật là sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và duy trì, tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%. Đặc biệt, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục đạt với gần 670 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 19%, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid 19. Cùng với đó, Bộ Công Thương cùng với các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt trong đại dịch Covid-19. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mục tiêu nhanh hơn, rộng hơn và hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch Covid-19; đặc biệt thương mại điện tử đã phát huy vai trò đột phá cho doanh nghiệp Việt thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Để góp phần đạt tốc độc tăng trưởng GDP cả nước năm 2022 tăng 6-6,5%, ngành Công Thương phấn đấu năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8% so với năm 2021. Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành Công Thương tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, tập trung nguồn lực để triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, khôi phục sản xuất kinh doanh, thị trường; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành Công Thương trong thời kỳ mới; tiếp tục tập trung tái cơ cấu nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành; thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa…

 Lê Thư, R’Piên


Lượt xem: 14

Trả lời