Hội nghị phản biện xã hội về Dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong Chương trình giáo dục phổ thông, giai đoạn 2021-2030”

Cập nhật 06/12/2022, 11:12:44

Sáng 6/12, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về Dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong Chương trình giáo dục phổ thông, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ông Đinh Ngọc Hải – Phó Chủ tịch  Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.

 

Tỉnh Gia Lai có 2 dân tộc là Jrai và Bahnar có bộ chữ viết ban hành theo Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai. Việc dạy học tiếng DTTS được đưa vào kế hoạch dạy học chung của các cấp học; các trường triển khai dạy học theo chương trình, sách giáo khoa tiếng DTTS do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Jrai, Bahnar là các giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông hoặc công tác trong ngành giáo dục tại địa phương, được cấp chứng chỉ giảng dạy tiếng DTTS theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dạy và học tiếng DTTS ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học; thiếu giáo viên dạy tiếng DTTS đạt chuẩn theo quy định. …, dẫn tới các trường tổ chức dạy tiếng Bahnar, Jrai giảm dần qua hàng năm.

Tham gia góp ý, phản biện tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng: Dạy và học tiếng tiếng Jrai, Bahnar là cơ sở để tăng cường tiếng Việt cho học sinh trên nền tảng tiếng mẹ đẻ, nâng cao chất lượng giáo dục, chống tái mù chữ ở vùng DTTS; góp phần giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc. Thời gian tới, cần tiếp tục duy trì dạy tiếng DTTS, đưa môn học tiếng DTTS dạy đại trà trong các trường phổ thông; in sách giáo khoa tiếng Jrai, Bahnar theo chương trình 2018. UBND tỉnh cần có chính sách đặc thù, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho học sinh học môn tiếng DTTS. Đặc biệt, tập trung phát triển nguồn lực về con người, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS đủ số lượng, nâng cao chất lượng. Cùng với đó là làm tốt công tác tuyên truyền để thu hút các em học sinh DTTS thật sự yêu thích đối với chương trình học.

Ghi nhận các ý kiến phản biện của các đại biểu, ông Đinh Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị: Đơn vị soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các đại biểu để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo tính pháp lý của dự thảo Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong Chương trình giáo dục phổ thông, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Gia Lai và tính khả thi của chính sách sau khi Chương trình được ban hành. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến và tham vấn thêm các kênh thông tin khác để có báo cáo phản biện chính thức Chương trình này gửi UBND tỉnh…/.

 Kim Ngân; Mạnh Hà


Lượt xem: 11

Trả lời