Hồ Thị Vân và hành trình đưa măng tre đến với OCOP

Cập nhật 30/6/2020, 14:06:26

Thay vì chỉ trồng trọt và phó mặt sản phẩm nông sản của mình cho tư thương quyết định giá trị, nhiều nông dân hiện nay đã chọn giải pháp chủ động sản xuất, chế biến để đưa đến tận tay người tiêu dùng. Chính điều này đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời tăng giá thành mặt hàng. Và đây cũng là cách mà bà Hồ Thị Vân ở xã Kon Gang, huyện Đak Đoa đang ấp ủ, triển khai.

Măng tre, thực phẩm khá quen thuộc đối với rất nhiều người dân Việt Nam. Bằng sự tinh tế của mình, người Việt đã tạo không ít món ăn ngon, có giá trị dinh dưỡng cao từ măng. Chính vì lẽ đó, cây tre được trồng khắp nơi, ngoài dụng ý che bóng mát còn cung cấp nguồn thực phẩm cho con người. Với lợi thế đất đai, tre được trồng khá nhiều tại xã Kon Gang, huyện Đak Đoa và đã mang  lại nguồn lợi cho không ít người dân nơi này.

Bà Hồ Thị Vân – Xã Kon Gang, Đăk Đoa, Gia Lai cho biết: “Ý tưởng để tham gia chương trình này, sản phẩm của tôi nhỏ lẻ thôi nhưng khi đưa ra thị trường nhỏ, người dân thấy ngon, đã chấp nhận. Gia đình từ khi chỉ làm ít cho trong nhà, thấy dân có nhu cầu, mình làm thêm dần  và bây giờ mở vùng nguyên liệu để làm”.

Hơn chục năm sống ở đất Kon Gang, bà Hồ Thị Vân đã nhận ra được giá trị không hề nhỏ từ cây tre, đặc biệt là măng, vốn được xem là sản phẩm nông nghiệp quen thuộc ở đây. Thay vì chỉ trồng và bán măng, bà đã mạnh dạn chế biến thành nhiều mặt hàng khác nhau cung cấp cho thị trường, trong đó chủ yếu đi vào mặt mạnh của gia đình đó là các sản phẩm măng khô, măng ép và đặc biệt là măng giòn.

Bà Hồ Thị Vân – Xã Kon Gang, Đăk Đo, Gia Lai nói: “Mong muốn Nhà nước tư vấn, hỗ trợ, đặc biệt là tư vấn về thiết bị để sản xuất. Thứ 2 là mong Nhà nước hỗ trợ thêm về tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tham gia hội chợ để đưa sản phẩm cho nhiều người biết đến”.

Để đưa Măng giòn trở thành đặc sản của Kon Gang nói riêng, huyện Đak Đoa nói chung, gia đình bà đã dành sự đầu tư, chuyên tâm không hề nhỏ trong nhiều năm trời. Đó là ngoài yếu tố gia truyền phải áp dụng các quy trình an toàn thực phẩm. Chính nhờ vậy Măng giòn Kon Gang đang dần đáp ứng các yêu cầu của sản phẩm sạch, sẵn sàng tham gia sân chơi OCOP ở huyện Đak Đoa.

Ông Nguyễn Kim Anh – Trưởng phòng NN&PTNT Đak Đoa – Gia Lai trao đổi: “Sau khi có kế hoạch của huyện, chúng tôi đã tổ chức nâng cao nhận thức người dân, đã tổ chức hội nghị rất thành công. Từ hội nghị, người dân được học hỏi thêm từ các sản phẩm OCOP khác. Có rất nhiều ý tưởng, sản phẩm mới tham gia hội nghị. Đây là cơ hội để chúng tôi nắm bắt thêm sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn người dân hiểu được rằng, các chủ thể tham gia OCOP không phải chỉ tìm kiếm thương hiệu mà chính là nhận ra được thế mạnh, tiềm năng của mình để làm ra sản phẩm sạch, đặc sản đặc trưng địa phương để tham gia thị trường trong huyện, trong tỉnh và thị trường lớn hơn”.

Giấc mơ biến sản phẩm nông sản trở thành món ăn đặc trưng của vùng miền đến với người tiêu dùng gần xa, thậm chí là đáp ứng được nhiều yêu cầu khắc khe của OCOP của bà Hồ Thị Vân giờ đã chớm thành hiện thực. Sản phẩm Măng giòn Kon Gang là một trong 11 mặt hàng được huyện Đak Đoa chọn hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP năm 2020./.

Thu Thủy, Thanh Sáng


Lượt xem: 216

Trả lời