Hiệu quả từ nguồn vốn tài trợ phi Chính phủ nước ngoài ở tỉnh Gia Lai

Cập nhật 09/11/2018, 16:11:10

Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới điều kiện kinh tế – xã hội và đời sống người dân còn nhiều khó khăn; nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với sự quan tâm của các cấp và sự cố gắng nỗ lực của địa phương thì trong những năm qua, nguồn kinh phí của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN) đã hỗ trợ cho tỉnh rất nhiều trong việc chăm lo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.

Từ nguồn tài trợ của tổ chức SOS quốc tế, Làng trẻ em SOS Pleiku đã được đầu tư xây dựng đồng bộ trên khuôn viên 3 ha với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2013, với cơ sở hạ tầng khang trang, đầy đủ, là điều kiện thuận lợi để Làng trẻ em SOS Pleiku chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm em nhỏ có số phận không may mắn. Mỗi ngôi nhà ở đây được xem như là những gia đình thu nhỏ che chở, đùm bọc và nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh để cho các em một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Em Phan Quốc Trung, Ngôi nhà số 10, Làng trẻ em SOS Pleiku chia sẻ: “Con sống ở đây các anh chị em và các mẹ dì rất là vui; ở trong gia đình con được ăn uống rất đầy đủ với các món ăn do mẹ nấu; con được các cô, chú dạy và cho đi học và được vui chơi với các anh em trong làng”.

Dự án Plan được triển khai giai đoạn 2012 – 2018 đã đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho rất nhiều đơn vị trường học ở 2 bậc Mầm non và Tiểu học trên địa bàn tỉnh. Qua 6 năm thực hiện, chất lượng giáo dục ở các đơn vị trường học thuộc vùng dự án đã có nhiều thay đổi; giáo viên và cán bộ quản lý có đủ năng lực thực hiện sinh hoạt chuyên môn mới và áp dụng chương trình giáo dục phù hợp với bối cảnh địa phương vào kế hoạch giảng dạy của mình; 7 trường trong dự án được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia.

Cô Nguyễn Tường Thoại, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, xã Tú An, thị xã An Khê cho biết: “Trường chúng tôi thì có khu vực trung tâm và 3 điểm lẻ thì đến nay cơ sở vật chất đã khang trang, sạch đẹp. Từ sự đầu tư này thì việc giáo dục học sinh của chúng tôi đã được cải thiện; học sinh đã đi học đều; chất lượng học sinh của chúng tôi từ việc chăm sóc, nuôi dưỡng tại trường thì chúng tôi đã cải thiện được tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ; và đối với học sinh người đồng bào thì đã đi học chuyên cần và không còn việc các cháu bỏ học”.

Theo tổng hợp của Sở Ngoại vụ – cơ quan Thường trực Ban Công tác về các tổ chức PCPNN tỉnh Gia Lai, từ năm 2007 đến cuối năm 2017, có 22 tổ chức PCPNN, 7 tổ chức quốc tế đến hỗ trợ tỉnh Gia Lai thực hiện 36 dự án với tổng kinh phí thực hiện giải ngân trên 10,6 triệu USD; chủ yếu về các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Tùng Khánh – Giám đốc Sở Ngoại vụ , Phó Trưởng Ban Công tác về các tổ chức PCPNN tỉnh Gia Lai cho biết: “Thời gian qua các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ đã hỗ trợ cho địa bàn tỉnh phát triển về cơ sở hạ tầng các vùng lõm, vùng nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ổn định hơn”.

Tuy nhiên, Gia Lai là một tỉnh còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, trên 13% với hơn 45.000 hộ nghèo, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 86,5%; cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn chưa hoàn thiện. Do đó, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ thêm của các tổ chức PCPNN để cùng với nguồn lực của địa phương từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân và thúc đẩy kinh tế – xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển.

Đức Hải;  Huy Toàn


Lượt xem: 104

Trả lời