Hiệu quả từ dự án mô hình tưới tiết kiệm

Cập nhật 27/11/2020, 13:11:58

Dự án phát triển thị trường công nghệ tưới tiết kiệm nước nhằm giúp nông dân tỉnh Gia Lai tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng thu nhập do tổ chức phi Chính phủ iDE tại Việt Nam hỗ trợ triển khai tại 4 huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh đã mang lại những hiệu quả tích cực. Giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu để phát triển kinh tế gia đình. Ghi nhận tại huyện Đak Pơ

Trước đây, trên 3 sào đất , gia đình anh Đinh Văn Nhoắc cũng trồng ớt là chủ yếu. Tuy nhiên, do tưới bằng phương thức thủ công nên vừa tốn công, tốn phân bón và đất bị rửa trôi nhanh bạc màu. Song từ tháng 10 năm 2019, gia đình anh được hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt từ dự án iDE thì những hạn chế trên đã được khắc phục và giúp tăng năng suất cây trồng.

Anh Đinh Văn Nhoắc, Làng Jro Ktu, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ cho biết: “Được dự án IDE hỗ trợ hệ thống tưới bằng péc thì rất phấn khởi. Trước đây tưới bằng tay thì khi bón phân bay hơi hết nay tưới nhỏ giọt thì rất lợi, thứ nhất là lợi phân, thứ hai lợi nước, đỡ sâu bệnh nữa và lợi được công nữa. Trước đây làm 1 sào thì được khoảng 2 tấn nhưng nay tưới nhỏ giọt thì được từ 3 đến 4 tấn/sào”.

Dự án iDE được triển khai trên địa bàn huyện Đak Pơ từ tháng 10/2018 và đến nay đã có 180 hộ dân ở 6/8 xã được hưởng lợi; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Dự án hỗ trợ trực tiếp hệ thống tưới nhỏ giọt cho mỗi hộ dân với giá trị khoảng 2,5 triệu đồng. Từ khi được dự án hỗ trợ đã giúp cho người dân, nhất là bà con người dân tộc thiểu số có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích.

Anh Đinh Văn Brel, Làng Jro Ktu, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ cũng cho biết: “Trước đây, nhà mình chủ yếu là trồng mỳ; từ khi được hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt thì đã chuyển khoảng 2 sào sang trồng dưa leo và ớt, cho thu nhập cao hơn so với trồng mỳ. 2 sào mỳ thì thu được khoảng 3 đến 4 triệu mà chuyển sang trồng ớt thì được hơn 10 triệu”.

Bà Trương Thị Thiên Lý, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ nói: “Trong năm 2018 và 2019 trên địa bàn huyện Đak Pơ xảy ra hạn hán rất là nặng. Và từ dự án tưới tiết kiệm này đã giúp cho bà con thích ứng với biến đổi khí hậu và việc sử dụng hệ thống tưới thì đem lại lợi ích rất là lớn; thứ nhất là tiết kiệm được nước, thứ hai là tiết kiệm được phân bón, thứ ba là công lao động. Từ đó thì làm tăng năng suất, hiệu quả của cây trồng và sẽ đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân. Và từ việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm này thì cũng đã làm thay đổi suy nghĩ của bà con, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số thì họ biết áp dụng tưới tiết kiệm sẽ đem lại hiệu quả cao hơn tưới thủ công”.

Được biết, tổng nguồn kinh phí thực hiện dự án trong giai đoạn 2018 – 2021 là 7,5 tỷ đồng. Qua hơn 2 năm triển khai với số vốn đã giải ngân là 2,75 tỷ đồng, tổ chức iDE tại Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng được 355 mô hình tưới tiết kiệm; và tuyên truyền, vận động được 2.500 hộ dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong vùng dự án thuộc 4 huyện, thị xã phía Đông của tỉnh; trong đó có 400 hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, đã đem lại những hiệu quả tích cực, giúp người dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt./.

Đức Hải, Phi Long

 


Lượt xem: 64

Trả lời