Hiệu quả mô hình “Xây dựng và phát triển thâm canh hồ tiêu bền vững”

Cập nhật 11/11/2022, 16:11:24

Sau 3 năm triển khai mô hình “Xây dựng và phát triển thâm canh hồ tiêu bền vững” tại huyện Đak Đoa, nhiều người dân trong huyện đã dần thay đổi phương thức canh tác, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để vườn cây phát triển bền vững. Bước đầu mô hình đã phát huy hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho người trồng hồ tiêu.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thơm là một trong 25 hộ dân tại xã Hải Yang tham gia mô hình “Xây dựng và phát triển thâm canh hồ tiêu bền vững”. Sau 3 năm triển khai, bà Thơm cho biết vườn tiêu của gia đình đã hạn chế được sâu bệnh hại, chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường giảm, vườn tiêu cũng cho năng suất ổn định hơn trước.

Bà Nguyễn Thị Thơm – Xã Hải Yang, huyện Đak Đoa chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình tôi thấy rất hiệu quả, trong cái diện tích của tôi thì thấy hiệu quả, bây giờ tôi vẫn đang áp dụng trong gia đình tôi cái phân đấy cho vườn ngày càng tốt hơn…”

Mô hình “Xây dựng và phát triển thâm canh hồ tiêu bền vững” được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai triển khai từ năm 2020 tại xã Nam Yang và xã Hải Yang, huyện Đak Đoa với tổng diện tích 14 ha, có 70 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 2,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng, còn lại người dân đối ứng. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ 60-70% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Nhờ áp dụng kỹ thuật nên cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, không còn tình trạng chết nhanh, chết chậm, cũng như hiện tượng cho quả cách năm, năng suất đều qua các năm. Cụ thể, năm 2022 dự kiến năng suất bình quân đạt trên 3 kg khô/trụ. Đến thời điểm hiện tại, diện tích nhân rộng từ mô hình là 15,8 ha.

Chị Phạm Thị Ngọt – Thôn 3, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa nói: “Khi tham gia mô hình tiêu bền vững thì thấy hiệu quả hơn nhiều so với ngày trước. Ngày trước làm theo thủ công so với bây giờ thì bây giờ đạt hiệu quả hơn nhiều, năng suất so với năm trước cũng đạt hiệu quả hơn, chỉ sợ giá cả thôi, chỉ mong sao giá cả ổn đinh để nông dân đỡ khổ.”

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với huyện Đak Đoa tổ chức hội thảo về Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững” tại xã Hải Yang. Tại hội thảo, các đại biểu đã tham quan vườn tiêu của một số hộ trong dự án tại xã Hải Yang và chia sẻ một số thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, tạo tiền đề để nhân rộng mô hình ra các xã, thị trấn trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “Qua mô hình đã triển khai thì bà con nông dân biết được KHKT để áp dụng cho cây tiêu và bón phân cho đúng cách, đúng liều lượng.  Có thể phát triển bền vững  và bền vững sạch luôn, nông nghiệp sạch và có khả năng hội nhập, có đầu ra ổn định bở mô hình này có cam kết đầu ra. Đối với chính quyền địa phương  thì 1 số hộ tham gia mô hình thì họ đã đánh giá rồi và cũng khuyến khích bà con học hỏi nhân rộng mô hình ra, để cho những bà con trong địa phương chăm sóc cây tiêu bền vững hướng tới  nông nghiệp sạch  để sau này đảm bảo được sự phát triển kinh tế hộ gia đình.”

Trước đây, không ít nông dân đã lạm dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích để ép tiêu cho năng suất cao, tuy nhiên, từ khi tham gia mô hình, người dân chuyển đổi sang sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để chăm sóc cây tiêu. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, tiến tới sản xuất tiêu an toàn, bền vững, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ổn định, mang lại hiệu quả cao hơn.

Linh Chi – Huy Toàn


Lượt xem: 12

Trả lời