Hiệu quả cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”

Cập nhật 20/9/2020, 09:09:40

Thời gian qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/02/2018 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng Làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, với mục tiêu thông qua công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những tập tục lạc hậu, không trông chờ mà tự lực vươn lên. Với cách làm thiết thực, hiệu quả, nhiều hộ đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.

Với người dân làng Phung, xã Biển Hồ, TP.Pleiku, gia đình anh Phom – chị Bdyut đã thực sự trở thành một tấm gương sáng nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Trước đây, kinh tế gia đình anh, chị phụ thuộc vào 6 sào ruộng lúa nước. Do chưa biết cách làm, nên dù có đất, gia đình vẫn quanh năm thiếu ăn. Thay vì đủng đỉnh 8-9 giờ sáng mới ra đồng làm việc như trước, anh chị quyết định thay đổi. Từ sáng sớm, anh ở nhà chăm lo ruộng vườn, chị hái rau ra chợ bán. Bán quen, có vốn, chị lấy thêm rau của các hộ xung quanh. Dần dần, chị dạn dĩ, năng động hơn, cộng thêm có khiếu nấu ăn, chị nhận làm dịch vụ, nấu những món ăn truyền thống của người địa phương. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đến nay gia đình anh đã có của ăn, của để, ngoài đất vườn và ruộng, gia đình chị còn mua thêm được hơn 1 ha cà phê, tiêu.

Chị Bdyut –  Làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku cho biết: “Trước đây nhà tôi cũng khổ lắm, nhờ mấy chị trên xã bàn bạc, chỉ bảo chuyện làm ăn, nuôi thêm con gà, con heo… trong vườn thì đất đai mình tận dụng hết, trồng nhiều thứ. Đến nay, gia đình cũng tạm ổn, nuôi 2 đứa con ăn học đàng hoàng”.

Hướng về cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân là cách mà các cán bộ mặt trận thực hiện chỉ dẫn, làm thay đổi về nếp nghĩ, cách làm cho bà con dân tộc thiểu số. Bằng việc xây dựng mô hình điểm, người làm trước chỉ dẫn cho người làm sau, buôn làng xuất hiện ngày càng nhiều hơn những tấm gương làm kinh tế giỏi và nhiều thanh niên trẻ tuổi vươn lên trở thành triệu phú. Bên cạnh đó, UBMTTQ VN tỉnh đã phối hợp với các ngân hàng ở địa phương hỗ trợ  người dân vay vốn đầu tư sản xuất, tham gia các mô hình kinh tế. Kết quả, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 4.176 mô hình, nhân rộng 539 mô hình tư vấn, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số nghèo áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, qua 5 năm thực hiện, đến nay đã giúp gần 6.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh

Bà Nguyễn Thị Hồng Diễm – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh  cho biết: “Theo bản thân tôi đánh giá thì tôi thấy, vừa qua các mô hình của Mặt trận đã góp phần hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, nhà nước, cũng như chính quyền, điển hình như vấn đề xóa nhà tạm, nhà dột nát, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”….Từ những phong trào đó, Mặt trận các cấp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tôi cũng mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Đảng, nhà nước quan tâm hơn nữa về công tác Mặt trận, công tác vận động, đi sâu, đi sát cũng như đi rộng hơn nữa để từ đó nắm bắt được những mặt chúng ta đã làm được, những mặt chưa làm được, để có những mô hình hay, mô hình tốt nhân rộng những điển hình đó đến với bà con nhân dân”.

Ông Đinh Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh nói về phương hướng hoạt động của UBMTTQ Việt Nam tỉnh trong thời gian tới: “Nhằm phát huy vai trò của MTTQVN, trong thời tới, MTTQVN tỉnh xác định tiếp tục thực hiện tốt Thông báo số 160 của Bộ Chính trị, Kết luận 162 về việc đổi mới phương thức hoạt động, trong đó chú trọng việc bám sát cơ sở , đẩy mạnh việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân từ đó giúp phản ánh được tình hình tại cơ sở, công tác của Mặt trận ở cấp cơ sở trong thời gian tới sẽ tốt hơn“.

“Trao cần câu” là cách mà những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” và đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển./.

Trương Trang, Duy Linh


Lượt xem: 205

Trả lời