Hàng ngàn hecta ngô có nguy cơ mất trắng do sâu keo mùa thu gây hại

Cập nhật 20/7/2019, 14:07:39

“Đại họa” là từ mà nhiều nông dân đang dùng để nói về những thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra trên cây ngô. Sâu keo mùa thu là loại sâu đa thực, tốc độ lây lan nhanh, có khả năng gây hại trên 300 loại cây trồng, phổ biến nhất là cây ngô, trong khi đó loại sâu này chưa có thuốc đặc trị, nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời và đúng cách sẽ gây thiệt hại rất lớn cho cây trồng.

5 sào ngô của gia đình chị Byer ở làng Hup, xã Kông Yang, huyện Kông Chro mới xuống giống được gần hai tháng nay nhưng giờ thì không còn hy vọng gì nữa. Bởi phần lớn cây ngô bị còi cọc, kém phát triển, nguyên nhân là bị sâu keo phá hại, lại thêm khô hạn thiếu nước. Chị Byer cho biết, giờ nhổ bỏ ngô đi, trồng lại cũng không chắc có bị lại không, không chừng còn tốn thêm công, chi phí phân, giống, nên cứ bỏ mặc như vậy.

Chị Đinh Thị Byer, Làng Hup, xã Kông Yang, huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Khi phát hiện ra bị con sâu nó phá, được hướng dẫn mình cũng bơm thuốc nhưng cũng không ăn thua gì, giờ chắc là mất trắng thôi. Không riêng gia đình mình mà cả làng khoảng 30 ha cũng bị như vậy”.

Nhằm khống chế tình trạng của sâu keo phá hoại trên cây ngô, thực hiện hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, xã cũng đã tiến hành ra quân phun thuốc, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ.

Ông Trần Xuân Ánh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kông Yang, huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Qua rà soát, thống kê thì khả năng khoảng 50- 60% diện tích bắp trên địa bàn là mất trắng, tuy nhiên phần còn lại cũng khó thu vì cây kém phát triển. Vừa qua chúng tôi cũng đã ra quân phòng trừ, hướng dẫn bà con nhưng thấy cũng không khả quan”.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, sâu keo mùa xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ tháng 4/2019 và tính đến nay toàn tỉnh có gần 5 ngàn hecta ngô bị sâu keo gây hại. Trong đó Kông Chro là địa phương có diện tích bị thiệt hại đứng thứ 2 với gần 1.500 ha, nhiều nhất là huyện Chư Prông khoảng 2.500 ha và Chư Pưh hơn 1.200 ha. Trước những diễn biến của bệnh sâu keo mùa thu có chiều hướng tăng mạnh, cơ quan chức năng đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con triển khai các biện pháp phòng trừ.

 Ông Hà Ngọc Uyển- Chi cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai cho biết: “Phải làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng. Khi bà con làm đất, trong điều kiện thời tiết thuận lợi nên phơi đất để tiêu diệt các ổ trứng. Khi còn mới, phạm vi còn hẹp, có thể tiêu hủy các cây bị sâu keo từ nhỏ. Nếu sâu keo phát triển ở diện rộng hơn, bà con có thể áp dụng các biện pháp, có thể làm bẫy bằng cách trồng cây ngô nếp hoặc cây cỏ voi để hút sâu keo đến gây hại, sau đây tập trung tiêu diệt tại bẫy, như vậy vườn ngô sẽ không bị hoặc làm bã chua ngọt, mùi vị dẫn dụ sâu keo đến….Trong trường hợp phải sử dụng thuốc BVTV, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nên sử dụng các loại thuốc sinh học”.

Theo tính toán của nông dân, mỗi héc ta ngô phải đầu tư khoảng 12 – 15 triệu đồng, năng suất bình quân từ 10 – 15 tấn hạt tươi/ha. Với giá 3.500 đồng/kg như hiện nay, nông dân có thể thu lời từ 15 – 20 triệu đồng/ha. Thế nhưng, với tình hình sâu keo mùa thu đang lây lan mạnh gây hại trên nhiều diện tích ngô ở Gia Lai thì nông dân phải tốn thêm các loại chi phí khác mà vẫn đối mặt nguy cơ ngô bị giảm năng suất, thậm chí mất trắng. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ nông dân./.

Hồng Uyên, Minh Trí


Lượt xem: 93

Trả lời