Giữ rừng để tạo sinh kế bền vững cho người dân

Cập nhật 07/6/2022, 16:06:31

Là những cư dân sống ở khu vực gần rừng, được hưởng lợi từ rừng, nhất là từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai càng giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai hiểu rõ: Việc trồng rừng và bảo vệ rừng hiệu quả đã trở thành một nghề để đem lại nguồn thu nhập, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao cuộc sống.
Hiện tại, nhiều tổ, nhóm cộng đồng bảo vệ rừng ở các địa phương của Gia Lai đã phát huy tốt trách nhiệm giữ rừng.

Những buổi tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng như thế này được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Rong, huyện Kbang triển khai thường xuyên hơn tại các làng do đơn vị quản lý. Với cách truyền đạt gần gũi, thực tế của cán bộ kiểm lâm đã giải thích cặn kẽ, giúp bà con hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa của rừng đối với cuộc sống và tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng, lợi ích, tác động của chính sách chi trả DVMTR…

 Thông qua các buổi tuyên truyền đã giúp đồng bào dân tộc Bahnar nơi đây nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác giữ rừng. Người dân ở làng chấp hành nghiêm việc canh tác nương rẫy, không được lấn chiếm, phá rừng và các tổ nhận khoán đã lập kế hoạch cụ thể, phân thành từng nhóm chia nhau tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Đinh Ơn, Làng Kon Lanh Te, xã Đăk Rong, huyện Kbang nói: “Mình sống ở đây đã 70 năm, đường đi nào, khu rừng nào mình cũng biết. Nay nhà nước cho giữ rừng để có tiền nên bản thân mình rồi bà con trong làng rất mừng. Phải giữ rừng cho tốt, không cho ai phá rừng thì sẽ có nhiều tiền để cuộc sống tốt hơn”.

Ông Đinh Văn Hlua, Thôn trưởng làng Kon Lanh Te, xã Đăk Rong, huyện Kbang cho biết: “Bà con trong làng ai nấy cùng hào hứng đăng ký tham gia nhận khoán rừng. Các tổ thì phải có trách nhiệm nắng mưa thế nào cũng phải đi tuần tra, bảo vệ nếu phát hiện sai phạm thì kịp thời báo cho xã, kiểm lâm để xử lý. Nhờ tiền giữ rừng mà bà con đỡ vất vả hơn trước, có tiền để phát triển chăn nuôi. Bà con mong muốn là tiếp tục được gắn bó giữ rừng và mong có định hướng gì giúp bà con phát triển thêm cây thuốc, cây dược liệu dưới tán rừng để nâng cao thu nhập”.

Hiện tại, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Rong đã giao khoán 3.900 ha rừng cho 810 hộ dân thuộc 11 cộng đồng làng quản lý, bảo vệ với mức chi trả hàng năm trên 1,2 tỷ đồng. Thực tế đã cho thấy, các mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, không những hạn chế các hành vi xâm hại rừng mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các hộ dân trong cộng đồng. Ở đó, vai trò của đội ngũ già làng, người uy tín được phát huy; đồng thời gắn quyền lợi, trách nhiệm của người dân và cộng đồng với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Người dân đã nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích từ việc tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đối với việc cải thiện sinh kế, từ đó tích cực cùng với lực lượng chuyên trách tham gia bảo vệ rừng tốt hơn.

Ông Nguyễn Minh Sự, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Rong nói: “Với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng tiền giao khoán hàng năm đã giúp bà con nâng cao thu nhập, từ  đó  ý thức hơn trong việc giữ rừng. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Công ty cũng phân công cán bộ bám sát từng thôn, làng, chỉ dẫn bà con sử dụng nguồn tiền hiệu quả như mua heo, gà để phát triển kinh tế. Chúng tôi xác định rõ, thời gian tới, công tác giữ rừng vẫn phải dựa vào sức mạnh của cộng đồng dân cư, có như vậy mới đem lại hiệu quả cao nhất”.

Thực tế tại nhiều địa phương ở Gia Lai đã cho thấy: rừng là tài sản chung nhưng khi được giao khoán thì người dân đã trông coi, chăm chút như tài sản của chính mình, nhờ vậy rừng được phục hồi, phát triển. Trong khi công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều phức tạp, không ít nơi để xảy ra các vụ phá rừng thì câu chuyện giữ rừng dựa vào sức mạnh của cộng đồng là giải pháp hiệu quả cần được triển khai nhân rộng, góp phần tạo sự phát triển bền vững từ kinh tế rừng./.

Kim Ngân, Viễn Khánh


Lượt xem: 11

Trả lời