Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm

Cập nhật 02/12/2022, 15:12:34

Đối với bà con dân tộc Jrai, nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống mà còn mang hồn cốt văn hoá dân tộc. Trải qua bao thăng trầm, nghề dệt thổ cẩm đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Từ thực tế đó, thời gian qua thành phố Pleiku đã nỗ lực gìn giữ, duy trì và tìm đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm tại địa phương.

Nghề dệt thổ cẩm là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Jrai. Để giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, phường Thắng Lợi thành phố Pleiku đã thành lập CLB Dệt thổ cẩm gồm 25 thành viên. Ngoài việc dệt váy, áo, các chị còn tìm hiểu làm ra nhiều sản phẩm với họa tiết hoa văn mang dấu ấn riêng của dân tộc mình như: ví, túi xách, khăn quàng cổ, móc khoá….Đến nay, nghề dệt thổ cẩm không chỉ được duy trì để phục vụ cho đời sống mà còn được chị em trong câu lạc bộ phát huy, trở thành nghề sản xuất hàng hoá mang lại thu nhập.

Chị Ksor Pyiu – Làng Choet 2- Phường Thắng Lợi- Tp. Pleiku nói: “Tôi đã làm nghề dệt này là mười mấy năm rồi. Tôi cũng đã dạy lại cho các anh chị em bà con ở trong làng để thứ nhất là để lại giữ lại truyền thống của mình, thứ hai là để bà con có thu nhập để giúp được bà con trang trải được cuộc sống mà rồi để sau này có thể dạy lại cho các em nhỏ để giữ gìn bản sắc dân tộc của ông bà hồi xưa để lại cho mình.”

Dù là nghề truyền thống, nhưng nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Jrai đang đứng trước nguy cơ bị mai một do ảnh hưởng của đời sống văn hoá hiện đại. Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc. Thành phố Pleiku đã mở các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm tại các xã, phường có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.  Đồng thời xây dựng phòng trưng bày để quảng bá và giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm đến gần hơn với du khách trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Đinh Thị Hoa – Phó chủ tịch UBND xã Biển Hồ, TP Pleiku cho biết: “Ngoài việc thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung, xã Biển Hồ thì còn khánh thành phòng trưng bày các sản phẩm câu lạc bộ dệt để trưng bày các sản phẩm dệt đặc trưng của bà con người đồng bào Jrai trên địa bàn xã Biển Hồ nói chung và làng Phung,làng IaNueng nói riêng. Ngoài những công tác này thì Ủy ban xã cũng hết sức đặc biệt quan tâm đến vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng cho các thành viên trong câu lạc bộ dệt, về cái khả năng ăn nói, việc giới thiệu sản phẩm của mình trước các du khách khi họ đến tham quan trên địa bàn”.         

Để tiếp tục duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, bên cạnh sự tham gia của các nghệ nhân tâm huyết cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, những người có chuyên môn về nghề dệt thổ cẩm truyền đạt cách bảo tồn, lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch từ loại hình dệt thổ cẩm đến người  dân, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm. Đồng thời quan tâm hỗ trợ các nghệ nhân, tạo động lực truyền dạy cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm phát triển.

Bà Hoàng Thanh Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: “Giải pháp mà tôi thấy hiện nay khá hữu hiệu là chúng ta phải bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ nhân này. Thứ hai là chúng ta phải chủ động trong việc kết nối, tìm đầu ra cho bà con. Thứ ba nữa là chúng ta phải xây dựng được các thương hiệu, thương hiệu của các sản phẩm để nó trở thành sản phẩm đặc trưng của người dân JRai, Bahnar tại thành phố Pleiku tạo ra thành một cái sản phẩm Ocop”.

Thời gian tới, thành phố Pleiku tiếp tục duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tạo điều kiện cho người dân, du khách tham quan trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm và chú trọng tìm đầu ra cho các sản phẩm dệt thổ cẩm ở địa phương./.

CTV Hồng Nguyệt – Bá Bính


Lượt xem: 14

Trả lời