Giải pháp nào giải quyết tình trạng khai thác cát lậu tại huyện Chư Păh.

Cập nhật 02/4/2014, 08:04:17

Thời gian qua, mặc dù chính quyền và các ngành chức năng tại huyện Chư Păh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý tình trạng khai thác cát xây dựng trái phép. Tuy nhiên, đến nay kết quả mang lại vẫn chưa cao. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào giải quyết tình trạng này. Bài phản ánh của nhóm phóng viên Thời sự.  

Máy hút cát trái phép của cát tặc.

 

Từ lâu Chư Păh được biết đến là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối lớn, trong đó nổi bật là cát phục vụ xây dựng cung ứng trong địa bàn và khu vực Tp.Pleiku. Cát chủ yếu tập trung tại địa bàn các xã Ia Ly, Ia Nhin, Hòa Phú, Ia Mơ Nông hay Đăk Tơ Ver, Hà Tây. Chỉ tính riêng con suối Đăk Tơ Ver đã có 6-7 bãi khai thác cát trái phép với máy móc, phương tiện có công suất lớn luôn chực chờ sẵn. Theo người dân địa phương, tình trạng khai thác chủ yếu diễn ra vào ban đêm hoặc chiều tối còn ban ngày thì hầu như ngừng hoạt động để tránh ngành chức năng.

 

Người trông coi bãi cát cho biết: Em chỉ là người trông coi thôi, ban ngày ông chủ thuê e ra đây trông coi bãi cát,..

 

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Cảnh Toản -Xã Đăk Tơ Ver – huyện Chư Păh, anh cho hay: Tình trạng khai thác cát rất là ảnh hưởng đến dòng suối bị sạt lở nghiêm trọng. Từ Đăk Tơ Ver đến xã Hà Tây đã có 4 – 5 bãi cát. Hồi cách đây vài năm vào đây con suối còn nhỏ mà giờ đã sạt lở ra nhiều rồi.

 

Cần phải nói rằng đến nay huyện Chư Păh chưa cấp bất kỳ giấy phép khai thác khoáng sản nào trên địa bàn nhưng tình trạng khai thác cát phi pháp đã diễn ra từ nhiều năm nay. Vậy đâu là nguyên nhân? Qua tính sơ bộ, mỗi mét khối cát xây dựng hiện có giá bán dao động từ 50 –70 ngàn đồng. Trung bình mỗi xe cát chở khoảng 20 m3, sẽ thu về hơn 1 triệu đồng/xe và không phải đóng khoản thuế nào. Chính nguồn lợi lớn này nên dù chưa được cấp phép, các đối tượng vẫn lén lút khai thác cát liên tục. Mặc dù biết rõ nhưng để xử lý dứt điểm việc làm phi pháp này là điều không dễ.

 

Trao đổi với ông Lê Xuân Dũng-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Păh, ông Dũng nói: Các đối tượng khai thác thì tìm đủ cách để đối phó như lựa chọn vào những thời điểm đêm khuya hoặc sáng sớm lúc các cơ quan chức năng chưa phải giờ hành chính hoặc những thời điểm mà công tác kiểm tra sẽ gặp nhiều khó khăn. Khai thác thì dùng những phương tiện cơ động, có thể khi khai thác xong mà nghe động tĩnh thì họ rút ngay nhưng nguyên tắc của chúng ta muốn xử lý là phải bắt được quả tang tại chổ.

 

Theo thống kê của phòng Tài nguyên môi trường huyện, trong năm 2013, địa phương đã xử lý 19 trường hợp vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản với số tiền phạt là hơn 260 triệu đồng. Trong đó 15 vụ khai thác cát, xử phạt hơn 160 triệu đồng. Qua 3 tháng đầu năm đã xử lý hai trường hợp khai thác cát trái phép với số tiền là 9 triệu đồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những biện pháp mang tính “bắt cóc bỏ dĩa”, “ném đá ao bèo”, bởi thực tế địa phương hoàn toàn bị động trong quản lý tài nguyên khoáng sản do phải chờ đợi chủ trương đấu giá khai thác khoáng sản của UBND tỉnh.

 

Tiếp tục chờ đợi điều đó cũng đồng nghĩa với việc đất đai tiếp tục bị sạt lở, môi trường sinh thái biến đổi, đường giao thông hư hại, xuống cấp,…và nhiều hệ lụy tiêu cực khác. Đặc biệt, chính việc không quản lý được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép khiến cho địa phương mất đi nguồn thu thuế đáng kể cho ngân sách nhà nước./. 

Nhật Thành-Thanh Sáng-Đặng Trà


Lượt xem: 83

Trả lời