Già làng, người uy tín trong ĐBDTTS ở Gia Lai – Gắn kết cộng đồng, xây dựng quê hương giàu đẹp

Cập nhật 18/3/2019, 14:03:51

Thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; xứng đáng với sự tin tưởng của bà con dân làng khi được bầu làm già làng, làm người uy tín; nhiều năm qua, các già làng, người uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai chính là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong gắn kết cộng đồng, xây dựng buôn làng, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ở xã Al Bă, huyện Chư Sê, những người uy tín như thôn trưởng Siu Bêu của làng Roh Nhỏ chính là hạt nhân gương mẫu của tất cả các phong trào, trong đó có phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đi đầu trong hiến đất để xây dựng điểm trường học của làng, rồi vận động bà con cùng hiến đất làm đường giao thông nông thôn, làm thủy lợi, xây dựng công trình công cộng… để góp phần hoàn thành các tiêu chí, đưa xã về đích Nông thôn mới vào năm 2016.

Anh Siu Bêu – Thôn trưởng làng Roh Nhỏ, xã Al Bă, huyện Chư Sê, Gia Lai nói rất mộc mạc: “Trước mình cho xây nhà học này, sau mình cho xây nhà khác. Vì người ta không có nên mình cho”.

Tỉnh Gia Lai hiện có 599 người trong tổng số 1.256 già làng được UBND tỉnh phê duyệt danh sách là người có uy tín trong năm 2018. Với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, vì vậy vai trò kết nối của các già làng, người uy tín đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc từ mỗi buôn, làng. Ngày càng khẳng định vai trò của mình là lực lượng nòng cốt, là cầu nối giúp chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào đến với Đảng, Nhà nước; những già làng và người uy tín đã và đang tham gia tích cực giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Đặc biệt ở những vùng bà con theo đạo, các chức sắc, chức việc và người uy tín đã vận động bà con tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”; góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế tại địa phương..

Già làng Siu Quý – Làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai  chia sẻ: “Dạy cho nó làm nương, làm rẫy; dạy cho nó đừng theo bọn xấu, không có đi đâu, lo làm ăn lo phục vụ gia đình. Đủ làm nhà thì làm nhà, đủ tiền mua xe thì mua xe, xây dựng quê hương, làm ăn, trồng cao su, trồng cà phê, trồng điều, xóa đói giảm nghèo”.

Gương mẫu, tận tụy với mọi công việc của buôn làng và bằng vốn kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong cuộc sống cộng với nhiệt huyết, trách nhiệm, các già làng đã truyền lửa cho đồng bào các dân tộc về ý chí không cam chịu đói nghèo, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, cho quê hương.

Già làng HMrik – Làng Brel, xã Biển Hồ, TP.Pleiku, Gia Lai cũng cho biết: “Bản thân tôi được nhân dân tin tưởng và nói dân nghe, dân tin, làm dân làm theo. Tôi rất vinh dự, rất tự hào về vai trò trách nhiệm của già làng; tuy rằng có khó khăn đến mấy nhưng mà có sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, tôi rất vinh dự, tự hào và sẽ cố gắng phát huy tốt vai trò trong những năm tới. Tin chắc rằng trong năm tới, làng Brel sẽ thay đổi được nhiều và đời sống của bà con nhân dân mình rất phát triển; nhân dân rất yên tâm lao động sản xuất, nghe theo Đảng, làm theo Đảng, hướng về Đảng”.

Diện mạo ở các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai hôm nay đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện; và kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS ở địa phương. Họ thực sự là trung tâm đoàn kết, gắn kết cộng đồng và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; vì một Gia Lai ngày càng phát triển bền vững và giàu đẹp./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 57

Trả lời