Gia Lai vững bước trên hành trình đổi mới

Cập nhật 17/3/2018, 14:03:03

Trải qua 43 năm kể từ ngày giải phóng (17/3/1975-17/3/2018), Gia Lai liên tục có những bước bứt phá, phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Từ thành thị đến nông thôn trong tỉnh đã khởi sắc và đổi thay từng ngày, tràn đầy sức sống, vững bước đi lên hoà nhịp đổi mới đất nước. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chung sức, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

 Vượt qua bao khó khăn và thách thức của một tỉnh miền núi với xuất phát điểm kinh tế- xã hội rất thấp và bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tàn phá của chiến tranh, Gia Lai liên tục đổi thay và phát triển. Các tiềm năng, lợi thế của tỉnh từng bước được khai thác, phát huy và “đánh thức”. Như trên lĩnh vực nông nghiệp, ở tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh các loại cây trồng đó là cao su, cà phê, tiêu, mía… với những cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu, từ đó tạo ra chuỗi giá trị tăng cao, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Với những cơ chế, chính sách thông thoáng của tỉnh, công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở địa phương có những bước đột phá mạnh mẽ. Rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đã quan tâm, tìm cơ hội đầu tư tại Gia Lai như địa chỉ đáng tin cậy. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, nhiều khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhiều vùng kinh tế động lực đã hình thành, tạo nên “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ ở Gia Lai. Điển hình trong năm 2017, đã có 13 dự án ở tỉnh đã đưa vào hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 3.900 tỷ đồng, hiện có 50 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 7.400 tỷ đồng. Thông qua thu hút nhiều đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách nhà nước đáng kể, riêng trong năm 2017 đạt trên 4.200 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Dũng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai cho biết: “Thu ngân sách nhà nước của Gia Lai trong năm 2017 đạt là nhờ có nguồn thu đảm bảo, các lĩnh vực sản xuất phát triển và chống thất thu. Với đà này, trong năm 2018 tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước”.

Phương châm tập trung khai thác tốt tiềm năng và huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế nhanh và bền vững cũng được thể hiện rõ nét trên lĩnh vực du lịch với đà tăng trưởng mạnh, nhiều khu di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh đã thu hút rất đông du khách đến tham quan, khám phá.

Ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành các cấp, các địa phương, từ năm 2017 đến nay du lịch Gia Lai có nhiều khởi sắc. Trong năm 2017 đã thu hút được hơn 500 ngàn lượt khách. Trong năm 2018 tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các lễ hội của địa phương mang tính quảng bá cả nước”.

Là một tỉnh miền núi với 44,5% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên từ ngày giải phóng đến nay, Gia Lai luôn nỗ lực, kiên trì thực hiện tốt các mục tiêu về định canh định cư, giảm nghèo bền vững, nay gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều dự án, chương trình đã được lồng ghép triển khai đầu tư, tạo “luồng sinh khí mới” ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay có 49/184 xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,34%.

Ông Đinh Glap, làng Hà Lâm, xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai nói: “Trước đây, đời sống của nhân dân ở đây rất khó khăn và thiếu thốn. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước mà diện mạo ở xã đã khởi sắc, đời sống của bà con đã cải thiện nhiều”.

Ông Phan Văn Trung – Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Trong năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Kông Chro giảm hơn 6% và năm 2018 huyện tiếp tục phấn đấu đạt ở mức trên, sẽ huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”.

Không chỉ có lĩnh vực kinh tế với những con số ấn tượng mà lĩnh vực văn hóa – xã hội ở Gia Lai cũng liên tục có những khởi sắc đáng tự hào. Đã có 73 xã trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế, 28% số trường đạt chuẩn quốc gia. Các chính sách về an sinh xã hội, “đền ơn đáp nghĩa”, dân tộc, tôn giáo luôn được tỉnh quan tâm triển khai hiệu quả, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với Đảng, Nhà nước được tăng cường, củng cố.

Ông Huỳnh Minh Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho biết: “Công tác phát triển giáo dục, đào tạo ở Gia Lai đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó tỷ lệ học sinh là dân tộc thiểu số đạt khá, giỏi trong vài năm trở lại đây đạt hơn 20%, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT trên 90%”.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Gia Lai luôn nhận được sự quan tâm đầu tư rất hiệu quả của Trung ương từ các dự án, công trình trọng điểm để giúp tỉnh khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh và liên kết vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế –  xã hội, giữ vai trò và vị trí quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào- Campuchia và duyên hải miền Trung- Tây Nguyên. Trong các chuyến thăm và làm việc tại Gia Lai, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả của tỉnh Gia Lai trong việc huy động các nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để đầu tư đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh; đồng thời tin tưởng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn tới tương lai tươi sáng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ viết tiếp những trang sử mới trong hành trình xây dựng quê hương ngày càng đổi thay, phát triển./.

Hà Đức, R’Piên, Thanh Sáng


Lượt xem: 54

Trả lời