Gia Lai thực hiện áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản theo Tiêu chuẩn Quốc gia

Cập nhật 24/6/2022, 15:06:13

Nhằm bảo đảm nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa nông sản địa phương; hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đang phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia xây dựng một số mô hình áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh.

Sở KH – CN  đang triển khai xây dựng 03 mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Thực hiện xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho chuỗi cung ứng sản phẩm “Gạo Phú Thiện”, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã hỗ trợ  với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Mô hình tập trung vào 4 nội dung gồm: Khảo sát thực trạng quy trình sản xuất, sơ chế, vận chuyển, phân phối và truy xuất nguồn gốc sản phẩm Gạo Phú Thiện; Xây dựng và hướng dẫn áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai;  Kiểm tra, đánh giá xác nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phổ biến kết quả áp dụng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm Gạo Phú Thiện.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai, huyện Phú Thiện cho biết: “Trong thời gian vừa qua, hợp tác xã đã ký kết với VNPT để thực hiện tem truy xuất nguồn gốc. Cuối năm 2021 thì hợp tác xã đã có Quyết định của Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch Quốc gia. Đến thời điểm này hợp tác xã Chư A thai đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cũng như là Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia hoàn thiện các phần mềm, ban đầu đã bước đầu hoàn thiện các phần mềm, áp truy xuất mã số mã vạch Quốc gia và đến thời điểm này, hợp tác xã đã hoàn thành. Trong thời gian tới sẽ đem tem mã số mã vạch Quốc gia vào các bao gạo.”

Cũng tương tự sản phẩm “Gạo Phú Thiện”, sau khi được công bố Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận, Sở đang hỗ trợ địa phương áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc cho chuỗi cung ứng sản phẩm Rau Đak Pơ theo tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc. Với việc áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc, hợp tác xã có thể đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm, vận chuyển, phân phối. Cùng với đó, đây là giải pháp để người tiêu dùng kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn. Ngoài ra, việc triển khai áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản vào hợp tác xã sẽ thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng, liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản.

Ông Huỳnh Công Danh – Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ – Vận tải Đak Pơ, huyện Đak Pơ nói: “Cảm ơn Sở Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã lập trình cho chúng tôi phần mềm, có niềm tin vào hợp tác xã. Nhân đây anh em chúng tôi rất có gắng và có chương trình định hướng tiếp ứng với sở, kêu gọi cùng bà con đi vào chương trình chính thức truy xuất, bà con nông dân hiện nay đều có điện thoại di động thì trồng rau liên kết. Để đạt được lâu dài thì đi từng bước một tìm nguồn gốc, giống rau, cách trồng, phân bón, thu hoạch như thế nào,…”

Với Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh, hiện nay, Sở đang triển khai xây dựng 03 mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể như: Sản phẩm cà phê nhân thực hiện tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; Sản phẩm Gạo Phú Thiện thực hiện tại HTX nông nghiệp Chư A Thai – huyện Phú Thiện và sản phẩm Rau Đak Pơ thực hiện tại HTX vận tải Đak Pơ. Để đồng hành cùng các đơn vị, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia Các chuyên gia của Trung tâm đã có những buổi đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, HTX về mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng mô hình cụ thể cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản (cà phê nhân, gạo, rau). Đến nay các mô hình đã hoàn thành và hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đã triển khai áp dụng cho đối tượng của chuỗi cung ứng sản phẩm cà phê Vĩnh Hiệp, Gạo Phú Thiện, Rau Đak Pơ.

Ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết: “Trong quá trình thực hiện thì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ chọn ra các doanh nghiệp tiêu biểu thuộc các ngành hàng để thực hiện truy xuất nguồn gốc thì trong quá trình thực hiện truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm sẽ dễ dàng định vị thương hiệu trên không gian mạng và có cơ sở dữ liệu sau này để cung cấp cho các đối tác tiêu thụ trong nước, hệ thống siêu thị, hệ thống siêu thị trực tuyến, thị trường xuất khẩu mục tiêu thì cũng dễ dàng hơn trong việc cung cấp thông tin chuỗi giá trị sản phẩm.”

Việc triển khai áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản theo Tiêu chuẩn Quốc gia là một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” của tỉnh. Theo đó, mục tiêu của tỉnh sẽ xây dựng khoảng 10 mô hình trở lên áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm: Rau, củ, quả, cà phê, mật ong, dược liệu…Trên cơ sở đó, nhân rộng mô hình nhằm bảo đảm nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa nông, lâm sản chủ lực, đặc trưng và các sản phẩm, hàng hóa OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Thúy Diện, Duy Linh


Lượt xem: 7

Trả lời