Gia Lai tập trung tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Cập nhật 13/7/2020, 07:07:29

Những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh tuy gặp không ít khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình sâu bệnh, giá cả nhiều mặt hàng nông sản biến động theo hướng giảm thấp… song nhờ chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên vẫn đảm bảo mức tăng trưởng ổn định. Kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành nông, lâm, thủy sản đạt 5,06%; ước đến năm 2020, giá trị sản xuất đạt hơn 30 ngàn tỷ đồng, gấp 1,28 lần so với năm 2015, chiếm tỷ trọng hơn 36% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ tới, dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó hàng loạt các giải pháp đã được đặt ra. Để việc thực hiện có hiệu quả, lĩnh vực nông nghiệp đã nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn:

Hàng loạt các giải pháp được đưa ra để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp của tỉnh, đó là tăng cường thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động, thông minh. Xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các vùng thâm canh, chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Xây dựng các vùng cây trồng, vật nuôi hàng hóa có lợi thế so sánh, trong đó ngoài một số cây trồng truyền thống như: Cà phê, hồ tiêu, cao su…Gia Lai tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong nhiệm kỳ tới.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong dự thảo báo cáo chính trị có dành một vế trong tiêu đề Đại hội nói về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể là nông nghiệp công nghệ cao, đây là lĩnh vực Gia Lai còn dư địa lớn. Trên tinh thần đó tỉnh sẽ có chính sách kêu gọi đầu tư tốt nhất để các DN đầu tư. Về phía ngành sẽ tham mưu cho tỉnh bố trí nguồn lực và chuẩn bị các điều kiện để xuất tiến và đề xuất các nhóm dự án của TW để cùng với DN đầu tư phát triển NNCN cao trong nhiệm kỳ tới”.

 Mặc dù tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp của tỉnh Gia Lai rất lớn, nhưng thực tế giá trị kinh tế mang lại chưa tương xứng. Để góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đồng thời hướng đến sự phát triển an toàn, bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn đang trở thành xu hướng phát triển hiện nay. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 38.500 ha cây trồng được sản xuất theo các tiêu chuẩn: 4C, VietGap, Global Gap,  UTZ (u – tê – zét)…chiếm 15% tổng diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh. So với các sản phẩm truyền thống, giá trị kinh tế mang lại của sản phẩm được sản xuất theo các tiêu chuẩn cao hơn gấp nhiều lần và quan trọng là đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường. Lợi ích là vậy nhưng thực tế nhiều hộ nông dân vẫn chưa thật sự mặn mà với các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn. Tại Hội thảo sản xuất, trồng trọt theo hướng hữu cơ do Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức mới đây, rất nhiều vấn đề đã được đặt ra với sự tham gia góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học.

PGS, TS Nguyễn Danh, Chủ tịch Hội liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai nêu: “Với người dân việc chưa mặn mà có lẽ là do lợi ích trước mắt. Cần làm cho người dân hiểu, sản xuất hữu cơ là rất có lợi. Tuy nhiên để sản xuất phải có quy mô, thực hiện liên kết chứ mỗi cá nhân không thể làm được. Về mặt tuyên truyền cần phải giúp họ hiểu đó là hướng sản xuất tiến bộ. Tuy nhiên nhà nước cần định hướng nên sản xuất hữu cơ tùy theo sản xuất và tùy theo quy mô, ngoài ra có thể thực hiện theo các tiêu chuẩn khác. Vì còn tùy thuộc vào mức độ tiêu thụ và điều kiện kinh tế của người dân. Nên nhà nước phải định hướng cụ thể”.

Để thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua Gia Lai cũng đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở một số địa phương chưa thật sự hiệu quả, người dân cũng như các hợp tác xã còn lúng túng trong việc xác định cây trồng chủ lực, trên thực tế nhiều nơi người dân vẫn phát triển mang tính tự phát, chạy theo thời giá dẫn đến nhiều rủi ro khi điệp khúc “ được mùa mất giá, được giá mất mùa” năm nào cũng xảy ra ở một số sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Lợi, thị xã AyunPa, Gia Lai cho biết: Hiện nay, đối với thị xã Ayun Pa, ngoài cây lúa là chủ lực, các năm trước có thêm cây mía, song mấy năm gần đây, giá mía giảm thấp nên nhiều nông dân cũng chuyển đổi sang các cây trồng khác nhưng cũng chỉ là tự phát. Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa thị xã, ngoài cây lúa ra thì chúng tôi mong muốn cơ quan nhà nước nghiên cứu có những loại cây giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây để đưa vào trồng.

Với lợi thế là địa phương có diện tích lớn thứ hai cả nước, tiềm năng, dư địa sản xuất nông nghiệp còn nhiều, phù hợp cho sự phát triển đa dạng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao… Vì vậy, nếu các giải pháp về phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng được thực hiện quyết liệt và đồng bộ, tin rằng nhiệm kỳ 2020 – 2025, nông nghiệp Gia Lai sẽ tạo được sự bứt phá mạnh mẽ khi nền nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao được, cho ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Hồng Uyên, Huy Toàn, Phi Long


Lượt xem: 64

Trả lời