Gia Lai tập trung phát triển cây dược liệu

Cập nhật 10/8/2020, 16:08:33

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã liên kết, phát triển trồng cây dược liệu với quy mô lớn. Đây được xem là bước đi phù hợp không chỉ bảo tồn và phát triển cây dược liệu mà còn giúp Nhân dân có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, năm 2018, anh Phạm Văn Hậu tại Thôn 1, xã Sơ Pai đã tiên phong phát triển cây đương quy tại vùng đất Kbang. Theo tính toán của anh Hậu: Sau hơn 1 năm trồng, cây đương quy sẽ cho thu hoạch với trọng lượng 1kg củ /1 cây, tương đương 30 tấn/1ha. Với giá bán thấp nhất khoảng 25 nghìn đồng/1kg, sau khi trừ toàn bộ chi phí đầu tư, vận chuyển, gia đình anh cũng thu lời hơn 300 triệu đồng/1ha đương quy. Từ thành quả ban đầu đem lại, hiện tại anh đã phát triển diện tích trồng đương quy lên hơn 15ha.

 Anh Phạm Văn Hậu – Thôn 1, xã Sơ Pai, Kbang, Gia Lai cho biết: “Tôi cũng đang làm thêm một quỹ đất ở nơi khác và đang phối hợp với một số công ty giống, các nhà cung cấp và nhu cầu các công ty dược để tìm hiểu, trồng thêm cây sâm Bố Chính, Hồng Đẳng Sâm… đó là các cây dược liệu hiện nay trên thị trường trong và nước đang rất cần”.

Với thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp, việc phát triển cây dược liệu đang là hướng đi được người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Tại địa bàn huyện Chư Sê, đến thời điểm này địa phương đã phát triển được hơn 350ha; trong đó riêng Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh đã triển khai trồng hơn 50ha các loại cây dược liệu và xây dựng được chuỗi liên kết với người dân, bao tiêu sản phẩm ổn định.

Ông Đoàn Mạnh Thắng – Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Địa hình với đất, đặc biệt là đất đỏ bazan là điều kiện rất thuận lợi để phát triển cây dược liệu ở Gia Lai này, nhất là nhiệt độ bình quân 25 độ; trong nhiệt độ trung bình đó thì có sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày rất lớn, từ 8 đến 10 độ. Chính sự chênh lệch nhiệt độ này đã tạo nên cây dược liệu được trồng trên đất Gia Lai thì dược chất sẽ tương đối cao”.

Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai nói về thực trạng phát triển cây dược liệu trên địa bàn : “Hiện nay cây dược liệu trên địa bàn tỉnh thì đã phát triển được hơn 1.000ha. Trong đó chú trọng bảo tồn cây mật nhân, rồi phát triển đối với cây đương quy, cây đặng sâm và một số cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh…., từ đó để tạo cho cây dược liệu là sản phẩm đặc sản của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới”.

Theo Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai, địa phương phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển được khoảng 2.500ha vùng nuôi, trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao và đến năm 2030 sẽ nâng tổng diện tích vùng nuôi, trồng dược liệu lên hơn 5.000ha. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư, các hộ dân phát triển cây dược liệu. Đồng thời, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, triển khai thực hiện các đề tài, dự án… liên quan đến phát triển sản xuất cây dược liệu.

Đoàn Bình; Thanh Sáng


Lượt xem: 125

Trả lời