Gia Lai quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Cập nhật 06/2/2023, 09:02:16

Giáo dục dân tộc giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao tri thức cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai, góp phần cho sự phát triển bền vững của địa phương. Với đặc thù địa phương có tới 46% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, do đó cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm chú trọng đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số.

Trường Mầm non Hoa Pơ Lang ở xã Ia Mơ- xã vùng biên giới khó khăn nhất của huyện Chư Prông nay đã khoác lên mình chiếc áo mới khang trang. Cơ sở vật chất trường lớp nay đã được quan tâm đầu tư đảm bảo môi trường học cho gần 200 trẻ ở xã vùng biên giới này. Tại điểm trường chính mới được đầu tư thêm dãy nhà đa chức năng gồm 4 phòng phục vụ cho việc học tập, vui chơi của trẻ.

Ở ngôi trường có trên 82% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, có thể thấy hành trình gieo chữ ở xã vùng biên giới này vẫn còn đó nhiều khó khăn, song đã mang lại những kết quả đáng mừng, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức của người dân nơi đây về chuyện học của con em mình. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề, yêu thương học trò và kiên trì trong công tác vận động học sinh ra lớp. Nhờ đó kết quả vận động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, trẻ 3-4 tuổi đạt 78%.

Chị Rơ Mah Yang – Làng Klah, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông cho biết: “Điều kiện học cũng rất tốt, đưa con đến đầy đủ, học phí không phải đóng, cho con đi học rất tốt. Đi học được nhà trường quan tâm quan tâm mua cho đầy đủ đồ dùng học tập, cố gắng cho con đi học”.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Pơ Lang, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông cũng cho biết: “Về sau này phụ huynh rất quan tâm bởi vì cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư khang trang, các cháu rất ham muốn được đến trường. Tuy rằng ở vùng sâu vùng xa, ngoài huyện vào cả nhưng các cô rất tâm huyết với nghề, yêu các cháu. Từ cái trẻ thích học như thế phụ huynh cũng thấy được sự phát triển của trẻ phụ huynh rất quan tâm đến các cháu. Năm nay nhà trường tổ chức cho 2 lớp trung tâm theo mô hình bán trú dân nuôi các đơn vị đứng chân trên địa bàn đặc biệt là đồn biên phòng 729 hỗ trợ cho các cháu mềm, gối”.

Với đặc thù của ngôi trường có 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm qua, Trường Tiểu học Ngô Mây ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai được quan tâm triển khai thực nghiệm các chương trình giáo dục song ngữ, chương trình giáo dục địa phương, chương trình tiếng Jrai và mô hình trường học mới. Qua những năm tổ chức thực nghiệm các chương trình này đã đem lại cho học sinh nhiều trải nghiệm, giúp các em tiếp cận tốt chương trình giáo dục mới, mạnh dạn, tự tin trong học tập cũng như trong các hoạt động phong trào.

Em Rmah HNghi – Trường Tiểu học Ngô Mây, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai nói: “Con đi học được gặp bạn và thầy cô giáo và con rất thích học những bài học thú vị và rất thích nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa”.

Cô giáo Ngô Thị Phương Yến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây, huyện Ia Grai cho biết: “Đối với nhà trường được Sở rất quan tâm tổ chức những chương trình thực nghiệm, đối với các em ở đây các em học rất tốt việc huy động ra lớp hàng năm đạt 100%, không có em nào bỏ học, không có em nào không ra lớp. được học, được chơi, được trải nghiệm nên các em cảm thấy mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Phụ huynh mỗi ngày đã có ý thức rất lớn trong việc nhắc nhở đầu tư Nhà trường đã lan tỏa đến phụ huynh những yêu thương, giáo dục của nhà trường để phụ huynh gần nhà trường hơn và phối hợp với nhà trường tốt hơn mỗi năm học”.

Với gần 45% học sinh dân tộc thiểu số, một trong những mục tiêu quan trọng nhất để triển khai hiệu quả chính sách giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai là đẩy mạnh xây dựng và củng cố hệ thống các trường dân tộc nội trú và bán trú. Hiện toàn tỉnh có 17 trường Phổ thông dân tộc nội trú ở các huyện, thị xã, thành phố và 25 trường Phổ thông dân tộc bán trú ở các xã vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách phát triển về giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Văn Long – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho biết: “Tỉnh luôn quan tâm sát sao đầu tư cho giáo dục nói chung đặc biệt là giáo dục dân tộc. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường, hiện tỉnh đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo  thực hiện một tiểu dự án trong dự án 5 của chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đầu tư về cơ sở vật chất. Dự kiến từ nay đến 2025 sẽ đầu tư xây dựng cho 29 trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú với vốn hơn 183 tỷ đồng. Ngoài ra bố trí nguồn vốn sự nghiệp trong giai đoạn này để sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường với số hơn 130 tỷ đồng”.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các sở, ngành liên quan, các địa phương triển khai 5 giải pháp để thực hiện. Trong đó có 1 số giải pháp chủ yếu là củng cố, sắp xếp mạng lưới quy mô trường lớp phù hợp; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học; xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm bảo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động đặc thù  phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số, cụ thể hóa chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây chính là cơ sở để nâng dần chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương./.

 Kim Châu, Viễn Khánh


Lượt xem: 13

Trả lời