Gia Lai kế thừa và phát huy giá trị của Đề cương văn hóa năm 1943

Cập nhật 27/2/2023, 07:02:14

Dù ra đời cách đây đã 80 năm, nhưng cho đến nay, giá trị lịch sử to lớn của bản Đề cương văn hóa năm 1943 vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Bản Đề cương đóng vai trò tiên phong mở đường, đặt nền móng lý luận cho công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Kế thừa và phát huy giá trị chung của bản Đề cương Văn hóa năm 1943, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ đã đề ra nhiều chiến lược và giải pháp phát triển văn hóa, văn nghệ, góp phần làm khởi sắc các giá trị văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đúng 80 năm về trước, tháng 2/1943, Đề cương văn hoá Việt Nam – văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hoá, văn nghệ do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Trong bản Đề cương, 3 nguyên tắc cơ bản để xây dựng nền văn hóa mới đã được nêu ra là Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Suốt chiều dài lịch sử 80 năm qua, tỉnh Gia Lai luôn xem 3 nguyên tắc trên là “kim chỉ nam” trong chỉ đạo và hoạt động văn hoá. Từ các chủ trương của Tỉnh ủy, sự quan tâm đầu tư các nguồn lực của UBND tỉnh cho phát triển văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm và phát triển.

Ông Trần Ngọc Nhung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: “Tuy Gia Lai còn là một tỉnh có nền kinh tế khó khăn, nhưng các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu, từ sự hỗ trợ của các tổ chức, các nhân và doanh nghiệp thì đã có bước đầu đầu tư cho hoạt động văn hóa từng bước đưa việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá trên địa bàn tỉnh một cách vững chắc”.

Phát huy các giá trị của bản Đề cương văn hóa năm 1943, cùng với sự quan tâm đầu tư cho phát triển văn hóa, công tác nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật, cổ vật, công tác lập hồ sơ để công nhận di tích cấp tỉnh, cấp Quốc gia, cấp Quốc gia đặc biệt được ngành văn hóa tỉnh Gia Lai đẩy mạnh thực hiện. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 37 di tích, cụm di tích, di sản văn hóa vật thể đã được xếp hạng, trong đó, quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo và di chỉ khảo cổ học Rộc Tưng – Gò Đá được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; 1 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 7 hiện vật, bộ hiện vật đã được đăng ký cổ vật. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện còn lưu giữ được 5.655 bộ cồng chiêng; có khoảng 900 nghệ nhân đánh chiêng giỏi và 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng. Đây là những cở sở vững chắc góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ – Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai thông tin: “Ở một góc độ khác thì chúng ta cũng xây dựng được khá nhiều công trình liên quan đến văn hóa như là Bảo tàng tỉnh Gia Lai, hay là nơi mà năm 1946 Gia Lai được đón nhận là thư rất là quan trọng của Bác Hồ thời kỳ chống Pháp thì chúng ta cũng có 1 Quảng trường mang tên Đại Đoàn Kết. Theo tôi đánh giá thì đây là một công trình văn hóa có sức ảnh hưởng đến tất cả người dân vì nó mang lại sự thụ hưởng cho tất cả mọi người”.

Tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của Đề cương văn hóa năm 1943, cũng như triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã không ngừng nỗ lực tổ chức các hoạt động về văn hóa, văn nghệ nhằm góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, cũng như phát huy vai trò chủ thể của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Điển hình như ngày Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ Nhất năm 2022 và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc khác.

Ông Trần Ngọc Nhung trao đổi thêm: “Ngày hội đã huy động về đây hơn 700 nghệ nhân từ 17 huyện, thị xã, thành phố. Đây là sự kiện được bà con nghệ nhân đánh giá rất là cao. Cao ở chỗ đây không phải là Hội thi, mà đây là Ngày hội, bà con về biểu diễn những gì mình có để phục vụ cho du khách, cho Nhân dân. Phải nói rằng đây là những việc triển khai hết sức cụ thể  về những chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, phát triển văn hóa”.

 “Vào ngày mai (27.2), tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Văn hóa Việt Nam _ Cội nguồn và động lực phát triển”. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 – 2023). Với 60 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, Hội thảo một lần nữa sẽ khẳng định giá trị trường tồn của bản Đề cương văn hóa năm 1943, đồng thời đề xuất các giải pháp xây dựng, kiện toàn thể chế nhằn tạo động lực phát huy giá trị của đề cương, vì mục tiêu phát triển văn hóa theo hướng bền vững cho cả nước, trong đó có tỉnh Gia Lai”./.

Quốc Linh,  Phi Long


Lượt xem: 14

Trả lời