Gia Lai đẩy mạnh giải pháp, kết nối, hợp tác phát triển du lịch

Cập nhật 17/12/2022, 11:12:15

Qua 5 năm thực hiện Chương trình số 43, ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai thực hiện Nghị quyết số 08, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tốc độ phát triển ngành du lịch của tỉnh có sự chuyển biến rõ nét; doanh thu và lượng khách du lịch tăng nhanh và ổn định qua từng năm.

Theo đó, giai đoạn 2017-2019, du lịch có sự tăng trưởng nhanh (vượt mục tiêu đề ra 15-18%/năm), tổng lượt khách tăng bình quân 27,8%/năm, tổng thu du lịch tăng gần 23%/năm. Riêng năm 2019, Gia Lai đón  845.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 510 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm (2020-2021), hoạt động du lịch sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Năm 2022, doanh thu ngành du lịch Gia Lai đã tăng trưởng trở lại, tăng gấp 3 lần năm trước và dự kiến năm 2023 sẽ tiếp tục tạo cú hích cho ngành thương mại – dịch vụ và du lịch phát triển.

Để có được kết quả này, một trong những yếu tố tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng đó là công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch được các cấp, các ngành quan tâm, ưu tiên huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách đầu tư đường giao thông đến các điểm, khu du lịch đã được quy hoạch. Tổng vốn đầu tư hạ tầng du lịch giai đoạn 2017-2022 là hơn 245 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch có tiềm năng, có khả năng khai thác nhanh cũng như khả năng thu hút, kêu gọi đầu tư. Giai đoạn 2017-2022, tỉnh đã thu hút, kêu gọi được 29 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký 9.407 tỷ đồng…

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nhiều địa phương đã lựa chọn phát triển các loại hình du lịch phù hợp như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh…

Năm 2022, nhiều hoạt động, chương trình, lễ hội văn hóa-du lịch đã được các địa phương trong tỉnh tổ chức, nhằm tạo thêm cú hích cho du lịch tăng trưởng, như: Tuần lễ hoa Dã quỳ – Núi lửa Chư Đang Ya diễn ra trong 3 ngày trung tuần tháng 11.2022. Thích thú với vẻ đẹp miên man của sắc quỳ vàng, ấn tượng với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc các dân tộc là những gì đọng lại trong lòng du khách thập phương khi tham gia sự kiện này…

Chị Hồ Quỳnh Trâm, Du khách Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ngày hôm nay thì mình đã trải nghiệm được tất cả các cảnh đẹp xung quanh Núi lửa Chư Đang Ya, các con đường hoa. Và sắp tới mình sẽ thưởng thức ẩm thực tại đây”.

Bà Võ Thị Thanh Xuân, Du khách Thành phố Đà Nẵng  cũng nói: “Khi biết được ở đây có lễ hội hoa dã quỳ và cồng chiêng, tôi đã vượt cả trăm cây số để đến đây. Biết được văn hóa dân tộc của bản địa và biết được xứ sở hoa dã quỳ”.

Ông Noh Wang Seok, Du khách Hàn Quốc  nói: “Văn hóa ở đây rất thú vị, cảnh rất đẹp, có nhiều hoạt động, rất vui vẻ, tuyệt vời. Tôi rất thích”.

Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2022 là một trong những sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật của tỉnh Gia Lai, với những hoạt động đặc sắc, thu hút trên 100 ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh, khách quốc tế đến tham quan. Thành công của Tuần lễ Hoa Dã Quỳ – Núi lửa Chư Đang Ya năm 2022 là tiền đề để huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác, liên kết giữa huyện với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh để phát triển du lịch.

Ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, Gia Lai cho biết: “Chư Păh được thiên nhiên ưu đãi trong sắc thu này thì có hoa Dã quỳ vàng, và ở Chư Păh còn có di tích Núi lửa. Thì từ những ưu đãi của thiên nhiên đó thì năm nay Chư Păh lần thứ 4 tổ chức Tuần lễ hoa Dã quỳ này với mục đích tạo ra những điểm vui chơi, du lịch cho du khách trong và ngoài tỉnh”.

Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 2,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,8%/năm; tổng doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 18,6%/năm. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đang đề xuất: Thủ tướng Chính phủ cho phép Gia Lai duy trì sự kiện Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2 năm/lần; xem xét, điều chỉnh vấn đề thuế đất, giải phóng mặt bằng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tiếp cận dự án; có cơ chế, chính sách, mức chi hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức đón các đoàn famtrip đến nghiên cứu xây dựng tour, tuyến du lịch. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh xem xét cho thành lập Trung tâm Xúc tiến du lịch trực thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch để làm nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch của tỉnh./.

Song Nguyễn – Phi Long – Ksor Tuối


Lượt xem: 9

Trả lời