Gia Lai chuyển trọng tâm kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển

Cập nhật 26/12/2022, 15:12:29

Cùng với cả nước, trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã thực hiện rất nhiều giải pháp trong công tác phát triển dân số. Trong đó địa phương đặc biệt chú trọng đến tỷ số giới tính khi sinh, tỷ suất sinh, tuổi thọ trung bình.. Vậy trong giai đoạn mới hiện nay, công tác phát triển dân số cần phải được thực hiện như thế nào? Nhân Ngày Dân số Việt Nam (26/12), THGL giới thiệu phóng sự “Gia Lai chuyển trọng tâm kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”.

Nếu như trước đây, chính sách DS-KHHGĐ chỉ tập trung giải quyết một vấn đề là mức sinh cao thì nay, chính sách dân số mới phải giải quyết được 6 vấn đề trọng tâm đó là: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; Thích ứng với già hoá dân số; Nâng cao chất lượng dân số; Phân bố dân số hợp lý góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước. Vì vậy, những người làm công tác dân số không đơn thuần là tuyên truyền về DS-KHHGĐ mà phải tính đến các yếu tố “phát triển”.

Bà Phạm Thị Nhàn, Trưởng phòng Dân số – TTYT huyện Chư Prông cho biết: “Các mô hình, đề án phải triển khai nhiều hơn. Tuy nhiên từ chuyển từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển lại bước sang một bước ngoặt mới, đồng thời bộ máy tổ chức có thay đổi nên cũng gặp một số khó khăn nhất định. Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch giao thì chúng tôi cũng phải cố gắng phấn đấu: thứ nhất là tham mưu kịp thời các văn bản chỉ đạo, triển khai các mô hình đề án kịp thời. Đồng thời phải tích cực phối hợp với BCĐ dân số xã cũng như các trường THPT, THCS để triển khai các mô hình”.

Trong 5 năm gần đây, mức sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm nhẹ và không ổn định. Cụ thể với  tỷ suất sinh thô là 16,5%o, tỷ lệ tăng tự nhiên là 13,1%o, tổng tỷ suất sinh ở mức 2,43%o. Đặc biệt Gia Lai đang là 1 trong 33 tỉnh, thành trên cả nước có mức sinh tương đối cao. Do đó, để chuyển dần trọng tâm DS-KHHG sang dân số và phát triển, địa phương cần quyết tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc.

Ông Vương Nhật, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Gia Lai cho biết: “Để đạt được các chỉ tiêu về mức sinh và tỷ lệ sinh con thì ngành dân số tỉnh ta phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới công tác truyền thông, nâng cao các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và ổn định tổ chức bộ máy. Đặc biệt cộng tác viên dân số ở cơ sở bám sát địa bàn và kịp thời phản ánh thực tế về công tác dân số của địa phương, giúp cho lãnh đạo, chỉ đạo của của Đảng của Nhà nước sát với thực trạng dân số của tỉnh nhà và đạt được các kết quả và mục tiêu đề ra”.

Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” vào năm 2012, khi tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% tổng dân số và sẽ trở thành nước có “dân số già” vào khoảng năm 2032, khi tỷ lệ này chạm “ngưỡng” 20%. Để đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan cùng các địa phương xây dựng và triển khai các hoạt động thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra về “Công tác Dân số trong tình hình mới”./.

 Lệ Xuân,  R’Piên, Phi Long


Lượt xem: 2

Trả lời