Gia Lai chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

Cập nhật 04/7/2020, 10:07:04

Bắt đầu từ năm học 2020 – 2021, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai đối với khối lớp 1, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện đối với từng khối lớp ở các bậc học. Để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho chương trình GDPT vào năm học 2020 – 2021, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đang gấp rút mọi công việc nhằm thực hiện chương trình một cách hiệu quả.

Để đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm học 2020 – 2021 ở khối lớp 1, năm nay Trường Tiểu học Ngô Mây, Tp. Pleiku được đầu tư thêm 12 phòng học, đủ để phục vụ cho học sinh học 2 buổi/ ngày theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, về đội ngũ giáo viên thì nhà trường lại đang thiếu so với quy định theo danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại Thông tư số 16 của Bộ GD&ĐT.

Thầy giáo Nguyễn Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây, phường Trà Bá, Tp. Pleiku chia sẻ: “Trao đổi về tâm tư nguyện vọng về giáo dục cũng rất mong các cấp, các ngành không những quan tâm trường Ngô Mây mà cả các trường khác đó là đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ vì giáo dục phổ thông có lộ trình xuyên suốt, đặc biệt là đội ngũ giáo viên hiện nay đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục phổ thông dạy 2 buổi/ngày căn cứ Thông tư 16 tỷ lệ giáo viên là 1,5/lớp nhưng hiện nay nhà trường mới đáp ứng được 1,2 thôi. Nên để đáp ứng chương trình đến lớp 5 chúng ta phải có lộ trình nên rất mong cấp trên quan tâm cơ sở vật chất và con người”.

Dự kiến năm học 2020 – 2021, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Tp. Pleiku có gần 300 em học sinh khối lớp 1, nếu học 2 buổi/ngày thì số lượng giáo viên hiện có không thể nào đáp ứng đủ so với quy định. Đáng bàn hơn là một trường nằm ngay trung tâm thành phố, nhưng nhiều năm liền nhà trường vẫn không có nhân viên y tế, vì vậy nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh cũng như công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho các em học sinh bán trú.

Cô giáo Bùi Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Tp. Pleiku cho biết: “Cái khó khăn với đội ngũ giáo viên theo quy định là 1,5 giáo viên/ lớp,  chúng tôi hiện tại bây giờ là 1,2 giáo viên/ lớp,  cũng rất là mong có bố trí, sắp xếp thêm cho chúng tôi để chúng tôi đảm bảo được đội ngũ giáo viên theo quy định.

Hiện tại trường chúng tôi có tổng số 39 lớp với gần 1.400 em học sinh nhưng mà không có nhân viên y tế nên chúng tôi phải kiêm nhiệm và hợp đồng thêm bên Trạm Y tế phường Ia Kring nên những vấn đề về sơ cấp cứu ban đầu cho các em rất là khó khăn , chúng tôi cũng tha thiết các cấp quan tâm biên chế cho mỗi trường 1 nhân viên y tế để  xử lý tình huống có thể xảy ra trong nhà trường xử lý kịp thời”.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, giúp các em học sinh được học trong một môi trường tốt nhất, mà trước mắt là sẵn sàng cho việc triển khai chương trình GDPT mới. Đó không chỉ là trăn trở của đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp, của cán bộ quản lý mà còn là trăn trở của rất nhiều phụ huynh hiện nay.

Cô giáo Nguyễn Thị Nết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Anh Hùng Núp, Tp. Pleiku cũng cho biết: “Với trường chúng tôi năm học mới nhà trường xây dựng 4 lớp 1 nhưng phòng chưa có vì số phòng hiện tại chỉ đủ cho các em học 1 buổi thôi, nên khi vào năm học mới thì chưa có phòng. Trường chúng tôi là trường hạng 3, về y tế, nhân viên thư viện cũng chưa có nên chúng tôi cũng rất là trăn trở”.

Bà Lê Thị Oanh, Phụ huynh học sinh nói: “Tôi cũng mong muốn phòng giáo dục quan tâm cho các trường là nên có y tế học đường, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cháu”.

Ông Trịnh Văn Chuyên, Phụ huynh học sinh nêu: “Cũng mong muốn nhà trường hoàn thành các hệ thống chăm sóc khác về dinh dưỡng, chế độ ăn uống để đảm bảo cho các cháu đủ năng lượng để học tập. Môi trường y tế cho các cháu được khám sức khỏe định kỳ, được tư vấn, theo dõi, khám mắt, khám răng trong độ tuổi”.

 Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 288 trường Tiểu học với 974 điểm trường. Hiện nay, tỷ lệ học sinh được 2 buổi/ngày còn khá thấp, chỉ khoảng 20,46%; tỷ lệ phòng học và giáo viên chưa đủ để tổ chức dạy 2 buổi/ngày; nhiều trường còn thiếu các phòng chức năng và trang thiết bị phục vụ công tác dạy học theo chương trình mới.

Do vậy vấn đề cần giải quyết cấp bách trước khi triển khai chương trình GDPT đối với tỉnh Gia Lai hiện nay là đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất. Ưu tiên bố trí phòng học đảm bảo cho học sinh lớp 1, xây dựng bổ sung các phòng học, phòng chức năng; đầu tư xây dựng phòng học thay thế cho các phòng học tạm, phòng học đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường học tích cực tuyên truyền cho các cha, mẹ học sinh, nhất là cha mẹ học sinh có con vào lớp 1 năm học 2020 – 2021 biết về chương trình GDPT, những điểm mới của chương trình để có tâm thế chủ động cho con bước vào năm học mới.

Lệ Xuân, Duy Linh, Minh Trung


Lượt xem: 179

Trả lời