Gia Lai cần xây dựng chiến lược phát triển về sản phẩm du lịch đặc thù

Cập nhật 12/12/2018, 09:12:31

Du lịch Gia Lai đang có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên để du lịch thực sự trở thành “ngành công nghiệp không khói”, níu chân du khách, đòi hỏi các ngành, địa phương cũng như người dân nhanh chóng bắt tay xây dựng một chiến lược phát triển về sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc của riêng Gia Lai.

Không gian văn hóa cồng chiêng, các Lễ hội độc đáo và những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Gia Lai đang trở thành nét chấm phá, thu hút khá đông du khách đến với vùng đất bazan đầy nắng và gió.

Theo đánh giá của các Công ty lữ hành, chính sự thuần khiết về văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Gia Lai thực sự đã tạo điểm nhấn, đem lại những cảm xúc rất riêng cho mỗi khách du lịch. Chính điều này được đánh giá là tiêu chí hàng đầu để các công ty lữ hành lựa chọn trong mỗi hành trình Tour đến với Gia Lai.

Chị Tạ Thị Tú Uyên– PGĐ Ban Sản phẩm Dịch vụ Công ty lữ hành Vietravel, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Khi nói về Tây Nguyên thì chúng tôi muốn nói về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đó là điểm nhấn trong hành trình mà khách du lịch mỗi khi đặt chân đến Tây Nguyên. Gia Lai là một trong những địa phương còn giữ được khá nguyên vẹn bản sắc của văn hóa cồng chiêng độc đáo. Những nét đẹp truyền thống của địa phương, bản sắc văn hóa độc đáo nhất còn giữ lại được thì mình thấy rất là thú vị và tạo sự hấp dẫn đối với du khách”.

Không chỉ mang trong mình nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, thiên nhiên còn ban tặng cho Gia Lai rất nhiều danh lam thắng cảnh hùng vỹ, độc đáo. Điều mà không phải ở nơi nào cũng có được.

Ngoài Thác 50 tại Kbang, thác Phú Cường ở huyện Chư Sê, thác Công Chúa ở huyện Chư Pah…thì thác Mơr tại huyện biên giới Ia Grai cũng đang từng ngày thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Không chỉ mang trong mình nét đẹp nguyên sơ, hùng vĩ, thác Mơr còn được ví như một “nàng công chúa ngủ quên trong rừng” và là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Gia Lai.

Ông Nguyễn Hữu Phúc – Tỉnh Hưng Yên nói: Mình thấy quang cảnh thiên nhiên ở đây rất là đẹp, môi trường rất trong lành. Có sông, có nước, có thác, cây cối rất tự nhiên. Mình rất là thích.

Du lịch Gia Lai dù đang từng ngày phát triển, song theo đánh giá, những điểm đến của Gia Lai vẫn đang ở dạng tiềm năng, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu ngày càng cao của du khách. Chính vì vậy, để xây dựng du lịch trở thành ngành “ngành công nghiệp không khói”, Gia Lai cần nhanh chóng bắt tay vào xây dựng một chiến lược phát triển bền vững.

Tiến sỹ Nguyễn Thu Hạnh-Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững cho biết: “Điều đầu tiên Gia Lai phải làm đó là xây dựng một chiến lược phát triển về sản phẩm du lịch đặc thù mà nó có thể khai thác được hết những đặc trưng thế mạnh mà chỉ riêng Gia Lai có. Sản phẩm du lịch đặc thù đó sẽ là kim chỉ nam cho các hoạt động đầu tư cho các hoạt động xúc tiến quảng bá, từ đó tạo ra thương hiệu riêng của Gia Lai. Sau đó chúng ta phải song song xây dựng phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch”.

   Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Thu Hạnh: Những sản phẩm du lịch mà người dân, cộng đồng hay doanh nghiệp địa phương tự xây dựng trên cơ sở nhận thức tốt về du lịch sẽ là sản phẩm bền vững và thu hút được du khách đến với Gia Lai ngày một tốt hơn.

Đoàn Bình-  Minh Trí- Huy Toàn


Lượt xem: 41

Trả lời