Gia Lai – Cần bài trừ hủ tục Ma Lai thuốc thư

Cập nhật 17/12/2014, 15:12:17

Hủ tục Ma lai thuốc thư đã âm ỉ tồn tại nhiều đời nay ở một số làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai và một số tỉnh ở Tây Nguyên. Những năm qua, được chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể ở cơ sở tuyên truyền, vận động nên nhận thức của bà con đã được nâng cao, hủ tục Ma lai thuốc thư từng bước được xóa bỏ. Tuy nhiên, thời gian gần đây hủ tục này tiếp tục xuất hiện trở lại làm xáo trộn cuộc sống yên bình của một số thôn, làng và để lại hậu quả đau lòng. Chỉ tính trong 2 năm 2013, 2014, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 15 vụ liên quan đến Ma lai thuốc thư làm chết 3 người, bị thương 5 người, có hai người vì mặc cảm bị xa lánh tìm đến con đường tự tử nhưng được cứu sống. Mới đây, Công an huyện Chư Sê đã kịp thời ngăn chặn, hòa giải thành công một trường hợp mâu thuẫn do nghi ngờ có Ma Lai thuốc thư.

 

Cán bộ tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

 

Một ngày cuối tháng 11-2014, ông Tăk (54 tuổi) trú tại làng Phăm Ó 1, xã Bar Maih, huyện Chư Sê sang nhà vợ chồng ông Pih (40 tuổi) bà Phye (42 tuổi) là hàng xóm để chơi. Mấy ngày sau đó, bà Phye ngã bệnh, ông Pih cho rằng vợ mình bị ông Tăk bỏ thuốc thư. Không đưa vợ đến bệnh viện khám, điều trị, ông Pih đã gọi một số người trong dòng họ kéo đến nhà đánh ông Tăk.

 

Nhận tin báo, Công an huyện Chư Sê cử tổ công tác đến can ngăn kịp thời. Ông Tăk cho biết, kể từ ngày dân làng cho mình có thuốc thư ông và vợ lên rẫy từ sớm, chiều tối mới về. Ông  không dám đến chơi nhà người khác vì sợ họ nghi ngờ mình có thuốc thư. Bị xa lánh, ông và gia đình luôn sống trong sợ hãi, tủi nhục.

 

Trò chuyện với phóng viên ông Tăk thổ lộ: Mình không biết thuốc thư là gì, hôm đó mình đi làm về vừa đến đầu làng thì mọi người không nói gì cả cứ đuổi đánh, sợ quá mình bỏ lên rẫy trốn, hôm sau được Công an và chính quyền vận động mình mới dám về làng. Giờ mình sợ mọi người trong làng xa lánh, rất mong được chính quyền và cơ quan Công an giúp đỡ.

 

Từ ngày xảy ra sự việc, tổ công tác Công an huyện Chư Sê vừa nắm tình hình, vừa phối hợp với già làng, thôn trưởng để tuyên truyền vận động bà con. Đồng thời, phối hợp với UBND xã Bar Maih đưa bà Phye đến điều trị tại Bệnh viện huyện Chư Sê.

 

Qua khám và xét nghiệm các bác sỹ kết luận, bà Phye bị viêm dạ dày, đau vai gáy và đau đốt sống lưng. Sau thời gian điều trị tại đây bệnh tình bà Phye thuyên giảm và được xuất viện.

 

Ông Nguyễn Văn Toàn-Phó chủ tịch UBND xã Bar Maih cho biết: Thời gian tới xã sẽ chỉ đạo các ban ngành đoàn thể phối hợp với Công an huyện tổ chức buổi phát động tại làng để tuyên truyền vận động giúp bà con xóa bỏ nghi ngờ, mặc cảm, ổn định cuôc sống…

 

Cũng trong tháng 11-2014, tại làng Bồ 2, xã Ia Yok, huyện Ia Grai và làng Quel, xã Sơ Ró, huyện Kông Chro đã xảy ra hai vụ nghi ngờ có thuốc thư và 2 người bị nghi ngờ đã bị dân làng đuổi đánh dẫn đến tử vong.

 

Được biết, người bị nghi có thuốc thư là những người mà dân làng cho là có khả năng ám hại người khác, bằng các hành động như: Bắt tay hoặc một lời nói làm cho người bị thuốc thư đổ bệnh và chết, là người đem lại những điều không lành cho dân làng.

 

Hủ tục Ma lai thuốc thư đã để lại những hậu quả đau lòng, gây chia rẽ đoàn kết trong nhân dân. Trước tình trạng này, rất cần có sự  vào cuộc tuyên truyền, vận động của các ban ngành đoàn thể và chính quyền địa phương để người dân nâng cao ý thức, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phát huy những nét đẹp văn hóa vốn có của các buôn làng Tây Nguyên. /.

Hữu Trường (CTV)


Lượt xem: 77

Trả lời