Gia Lai: “Bom nước” treo trên đầu dân

Cập nhật 10/12/2013, 14:12:05

Sau những trận lũ hung hãn càn quét, tàn phá các đập thủy điện, thủy lợi, UBND tỉnh Gia Lai cùng các ngành liên quan mới hối hả tổ chức kiểm tra an toàn hồ đập. Kết quả thật bàng hoàng: hàng loạt “quả bom” nước từ các hồ thủy điện đã xuống cấp trầm trọng và đang sẵn sàng đổ ập xuống đầu người dân hạ du bất cứ lúc nào.

 
Hình ảnh sự cố vỡ đập Ia Krêl 2 ngày 12.6 ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) chính là do một phần thiếu sự kiểm soát của Nhà nước. Ảnh: Lê Đình Dũng

 

Thủy điện rạn, nứt
Thống kê trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 137 hồ chứa thủy lợi và thủy điện. Trong đó có 38 hồ thủy điện với 12 hồ có dung tích trên 10 triệu mét khối. Các hồ đập trên đều do các Cty thuỷ điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, vận hành.
Những cơn lũ lớn liên tiếp trong thời gian ngắn không chỉ tàn phá nhà cửa, ruộng vườn, trang trại của dân, mà các công trình thủy điện cũng chung số phận. Minh chứng rõ nhất là thủy điện An Khê – Ka Nát nằm trên huyện Tây Sơn (Bình Định) bị lũ vùi ngày 15.11 gây tổn thất nặng nề cho nhà máy và đe dọa nghiêm trọng tài sản, mạng sống con người phía dưới hạ du.
Báo cáo sơ bộ số 285/BC – UBND mới đây về an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện khiến UBND tỉnh giật mình vì sợ hàng loạt các hồ đập bị rạn nứt, rò rỉ chực chờ vỡ mà không hề hay biết. Cụ thể, đập hồ thủy điện Thác Bà (huyện Đak Đoa) thân đập bị rò rỉ nước chảy thành dòng; thủy điện Chư Prông (Chư Prông) xảy ra hiện tượng thấm, tạo dòng chảy qua kẽ hở; hồ thủy lợi Ia Rbol (thị xã Auyn Pa) bị hư hỏng trầm trọng; hồ thủy điện Đak Lốp (huyện Kbang) bị hư hỏng hoàn toàn. Tính mạng dân đang bị “treo” lửng lơ và bị phó mặc cho các quả “bom nước” của thủy điện mất an toàn nghiêm trọng này.
Chính quyền địa phương bất lực
Qua quá trình kiểm tra, UBND tỉnh Gia Lai cũng “rụng rời tay chân” khi nhiều hồ đập không đăng ký an toàn hồ đập; không báo cáo hiện trạng an toàn; không có phương án bảo vệ đập; không có phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du. Đặc biệt nguy biến hơn là các chủ đầu tư không kiểm tra, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa hàng năm theo quy định. Quan ngại hơn là các hồ đập không có trang thiết bị thông tin cảnh báo và phục vụ công tác PCLB.

Đập Ia Krêl 2 bị vỡ ngày 12.6 ở huyện Đức Cơ, Gia Lai. Ảnh: Lê Đình Dũng

 

        Theo Nghị định số 209/204/ NĐ – CP của Chính phủ và Thông tư số 27/2009/TT – BXD của Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng công trình. Với sự vô trách nhiệm của các chủ đầu tư, ông Đào  Xuân Liên – Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai – cho biết, các công trình thủy điện đã thiếu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn cao. Chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo nhiều lần về việc này, nhưng các chủ đầu tư đều tìm cách phớt lờ yêu cầu của địa phương. Ông Mang Viên Tý – Trưởng ban Kinh tế, Phó ban Chỉ huy PCLB thị xã An Khê – địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy điện An Khê – Ka Nát – bất lực nói: “Họ nói bao nhiêu thì chính quyền biết bấy nhiêu. Xả 3.000m3/s mà nói 1.200m3/s cũng không ai đo đếm được”.

Để tránh tai họa chực chờ từ các quả “bom nước” khổng lồ của thủy điện, sau đợt kiểm tra, UBND tỉnh có kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành chức năng rà soát các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn về công tác quản lý an toàn hồ chứa. Bên cạnh đó cần sớm ban hành nghị định về xử phạt các chủ đập không làm tốt công tác an toàn của thủy điện, thủy lợi thì họa chăng chính quyền mới có cơ sở mà thực thi.

Theo LĐ ĐT


Lượt xem: 53

Trả lời

© Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai.

Đ/c : 01 Lý thái tổ, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - SĐT : (0269) 3824 221 - Website: http://www.gialaitv.vn

Giấy phép số: 99/GP-TTĐT.Do Cục Quản lý Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 28/7/2022

Chịu trách nhiệm nội dung : Ông Đặng Huy Cường-Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Gia Lai.