Gia Lai bảo tồn, phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Cập nhật 20/1/2023, 07:01:25

Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, cùng với các địa phương trong cả nước, xác định tầm quan trọng đặc biệt của phát triển văn hóa, Gia Lai đã đề ra Chương trình hành động với nhiều giải pháp hết sức thiết thực nhằm cụ thể hóa những mục tiêu đã đề ra, trong đó tiếp tục chú trọng đầu tư triển khai công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Trước khi tìm hiểu các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian tới, mời quý độc giả cùng nhìn lại bức tranh tổng thể về văn hóa Gia Lai:

Với 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23%, Gia Lai hội tụ nhiều giá trị văn hóa độc đáo, được giữ gìn, phát huy, thăng hoa dù phải trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 37 di tích, cụm di tích, di sản văn hóa vật thể đã được xếp hạng. Trong đó Quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo với 9 cụm di tích và Di tích  khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; cùng với 8 di tích quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Gia Lai có 1 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia đó là Phù điêu Phật Chămpa Tây Nguyên (Niên đại: Thế kỷ VI – VII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai); 7 hiện vật, bộ hiện vật đã được đăng ký cổ vật. Toàn tỉnh hiện còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng, có khoảng 900 nghệ nhân đánh chiêng giỏi và 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng; các địa phương trong tỉnh thành lập được hơn 100 đội cồng chiêng.

Năm 2022, Gia Lai đã chi hơn 127 tỷ đồng cho sự nghiệp văn hóa-thông tin, phát thanh-truyền hình, thể dục thể thao, tăng 7,9% so với năm 2021. Bảo tàng tỉnh đã đón, phục vụ 90 đoàn khách với gần 27 ngàn lượt người; tổ chức 5 đợt triển lãm thu hút gần 10 ngàn người tham quan. Hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh có gần 676 ngàn bản sách phục vụ độc giả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức gần 1 ngàn buổi biểu diễn văn hóa-văn nghệ, lễ hội… phục vụ người dân.

Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, sau khi nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ thêm “Tôi nhớ trước đây, một vị tiền bối từng nói văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Điều đó càng khẳng định vai trò của văn hoá đối với sự tồn tại, hưng thịnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Vậy để bảo tồn, phát triển văn hóa theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng thì Gia Lai đã đề ra những chiến lược phát triển và giải pháp thực hiện như thế nào? Ông Trần Ngọc Nhung – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài PT-TH Gia Lai về nội dung này.

Phỏng vấn Ông Trần Ngọc Nhung – Tỉnh uỷ viên,  Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai

Phóng viên: Xin chào ông, xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Trước tiên, xin ông cho biết, trên lĩnh vực văn hóa thì Gia Lai đã có những chiến lược như thế nào để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025?

Ông Trần Ngọc Nhung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như Nghị quyết lần thứ XVI của Đại hội Đảng bộ tỉnh thì được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VH, TT & DL đã chủ động xây dựng các kế hoạch về phát triển văn hóa – thể thao và du lịch như là Kế hoạch 51 ngày 20/7/2021 về thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết của Đảng và thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài ra thì Sở cũng đã xây dựng các Kế hoạch cho giai đoạn 2021 – 2025 như là Kế hoạch bơi an toàn, Kế hoạch tập luyện TDTT giai đoạn 2022 – 2030 và Kế hoạch về thực hiện chiến lược văn hóa của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 – 2030 tại Quyết định 1909 năm 2021. Thông qua các Chương trình, Kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể như thế  thì Sở cũng đã triển khai và kiểm tra, giám sát công việc đối với các đơn vị trực thuộc cũng như đối với các lình vực VH, TH & DL ở các địa phương để các địa phương phải bám chắc vào những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hiệu quả.

Phóng viên: Xin ông cho biết, sau một năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, thì dấu ấn nổi bật nhất của Gia Lai trên lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là gì?

Ông Trần Ngọc Nhung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai: “Phải nói rằng trong thời gian 3 năm trở lại đây thì việc quan tâm, bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích rất được quan tâm, đặc biệt là công tác làm hồ sơ để công nhận Di tích cấp tỉnh, Di tích Quốc gia, Di tích Quốc gia đặc biệt. Chúng ta rất mừng là ngày 29/12 vừa qua thì Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Di tích Rộc tưng – Gò Đá ở thị xã An Khê là Di tích quốc gia đặc biệt và chúng ta cũng đang chờ một Quyết định cũng hết sức là vui, đó là Bảo vật Rìu đá An Khê cũng sẽ được công nhận là Bảo vật quốc gia trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra thì hiện nay Sở đã tiến hành cùng với các địa phương tiến hành kiểm kê được khoảng 500 hồ sơ Di sản Văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, việc bảo tồn các gia trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai mà chúng tôi đã làm, đó là hoạt động cồng chiêng cuối tuần thưởng thức và trải nghiệm. Tuy vẫn còn khó khăn nhưng chúng tôi đã kêu gọi các đơn vị, cá nhân có sự quan tâm về các hoạt động này hỗ trợ kinh phí và đã được du khách đánh giá rất là cao. Cái nữa là năm 2022, Sở đã tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số lần thứ Nhất, huy động về đây hơn 700 nghệ nhân từ 17 huyện, thị xã, thành phố. Đây là sự kiện được bà con nghệ nhân đánh giá rất là cao. Cao ở chỗ đây không phải là Hội thi, mà đây là Ngày hội, bà con về biểu diễn những gì mình có để phục vụ cho du khách, cho Nhân dân. Phải nói rằng đây là những việc triển khai hết sức cụ thể  về những chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, phát triển văn hóa.

Phóng viên: Một lần nữa xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn của chúng tôi!

Trong bất kỳ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào thì công tác bảo tồn, chấn hưng và phát triển văn hóa nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành chức năng vẫn là chưa đủ. Để công tác này thực sự có hiệu quả thì đòi hỏi có sự tham gia cộng hưởng của toàn xã hội, trong đó vai trò của Nhân dân – chủ thể các giá trị văn hóa là hết sức quan trọng. Rất mừng là hiện nay, tại Gia Lai đã có không ít những người giàu tâm huyết, luôn nặng lòng với văn hóa dân tộc; họ đang từng ngày dốc lòng, dốc sức để cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Chung sức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Anh Rmah Mich được biết đến là thanh niên tiên phong ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện trong hành trình “giữ lửa” văn hoá truyền thống. Với tình yêu và nỗi lòng trăn trở với văn hóa, anh đã tìm gặp các già làng, các nghệ nhân để học hỏi, sưu tầm một số loại hình văn hóa, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng của người Bahnar. Để âm thanh diệu kỳ từ những chiếc cồng, chiếc chiêng được mãi ngân vang giữa đại ngàn Tây Nguyên xanh thẳm, anh thành lập các đội cồng chiêng và truyền dạy thanh niên trong xã. Đối với Rmah Mich ý thức được rằng giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình cũng chính là yêu nước.

Anh Rmah Mich –  Xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện tâm sự: “Mỗi khi nghe được âm hưởng của dân tộc những câu hát dân ca, của cồng chiêng thì nó làm tôi say đắm tôi yêu, quê hương yêu, đất nước và đặc biệt là yêu buôn làng mình chính vì thế tôi mong muốn tiếp tục lưu giữ, phát huy những truyền thống văn hóa người đồng bào mình”.

Rmah Mich là một trong số rất nhiều những người trẻ trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiên phong trong việc gìn giữ, phát huy và lan toả những giá trị truyền thống. Họ đều là những người trẻ với lòng đam mê, nhiệt huyết, yêu quê hương, đất nước nồng nàn, thấm đượm ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hoá dân tộc. Đây là điểm sáng, cũng chính là niềm hy vọng về một nền văn  hóa được trao truyền, tiếp nối qua các thế hệ.

 Đinh Thị Puih – Làng Vẻh – Xã Chư Krey, huyện Kông Chro chia sẻ: “Tôi biết hát dân ca từ mẹ truyền lại. Tôi nghĩ mỗi người đều có thể giữ gìn văn hoá truyền thống của dân tộc mình bằng những cách khác nhau. Với tôi thường dạy hát dân ca cho thanh thiếu nhi trong làng để chúng nó biết và trân trọng giá trị văn hoá của dân tộc mình”.

Nghệ nhân Ksor R’Ngơi –  Xã Ia Piar, huyện Phú Thiện nói: “Từ lâu nay ông bà truyền lại cho mình để mình giữ gìn văn hóa của dân tộc. Mình phải truyền dạy cho thế hệ trẻ noi theo. Thế hệ trẻ tiếp thu rất nhanh”.

Gia Lai có một nền văn hóa rất phong phú, đặc trưng, là nơi bảo lưu những yếu tố văn hóa cổ truyền độc đáo. Vùng đất này là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian với những truyền thuyết đã ăn sâu vào tiềm thức con người. Từ bao đời nay, văn hóa truyền thống dân tộc vẫn luôn là dòng chảy bất tận và tồn tại song hành cùng với những thay đổi của cuộc sống mới. Cùng với văn hoá phi vật thể, văn hoá vật thể ở Gia Lai tồn tại trong đời sống của đồng bào như hai thực thể gắn bó chặt chẽ và bổ sung cho nhau. Công tác bảo tồn và giữ gìn văn hóa được các cấp, ngành địa phương hết sức quan tâm.

Bà Kiều Thu Hương – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đak Đoa cho biết: “Huyện Đak Đoa rất quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa tuyền thống trên địa bàn. Đặc biệt huyện đã triển khai đề án bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, mở các lớp truyền dạy. Đặc biệt là tổ chức các hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số, tổ chức các sự kiện để quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống như đan lát, tạc tượng, qua đó phát huy được bản sắc trên địa bàn huyện”.

Đặc biệt, trong những năm qua, từ định hướng bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai đã tập trung đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động phục dựng, bảo tồn nét văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương. Đây chính là điểm nhấn tạo nên nét đặc trưng riêng và sự bứt phá mạnh mẽ cho du lịch Gia Lai. Đơn cử như trong Tuần lễ Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2022, thành phố Pleiku đã tổ chức phục dựng Lễ hội Mừng nhà rông mới để góp phần bảo tồn các không gian lễ hội của đồng bào Jrai trên địa bàn thành phố, đồng thời phục vụ nhu cầu tham gia, trải nghiệm vào các hoạt động lễ hội của Nhân dân.

Anh Rah Lan Thắng – Phường Hoa Lư, TP. Pleiku nói: “Tham gia lễ hội người dân sẽ tiếp thu và quảng bá cho văn hóa phát triển hơn, trở thành điểm tựa để thanh niên trẻ hiểu về văn hóa, tiếp thu, học hỏi và phát triển đến mai sau”.

Nhón PVTS


Lượt xem: 78

Trả lời