Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh vượt lên từ gian khó

Cập nhật 18/5/2022, 08:05:05

Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa bình nhưng nỗi đau da cam/dioxin vẫn còn đã khiến nhiều gia đình khó khăn. Thấu hiểu, chia sẻ với nhau, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Chư Sê nói riêng đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhằm xoa dịu nỗi đau da cam. Đồng thời, bằng ý chí và nghị lực, nhiều gia đình đang cố gắng vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế để có thêm điều kiện chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tấm gương vượt khó của gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở làng Dơ Nông, xã Kông Htok, huyện Chư Sê là một ví dụ.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh sinh được 4 người con thì có 2 con là nạn nhân chất độc da cam. 2 con của chị là thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng nên sức khỏe và thể trạng phát triển chậm, việc sinh hoạt đều nhờ vào các thành viên trong gia đình. Hoàn cảnh vốn khó khăn nên để thoát nghèo, phát triển kinh tế, gia đình chị đã phải nỗ lực rất nhiều. Với đức tính cần cù, chịu khó và thực hiện có hiệu quả mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định hơn.

Chị Nguyễn Thị Hạnh – Làng Dơ Nông, xã Kông Htok, huyện Chư Sê cho biết: “Gia đình tôi có 2 đứa bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, lâu nay cũng khó khăn lắm, nhờ bên Hội Nạn nhân Chất độc da cam hỗ trợ, từ đó tạo điều  kiện cho gia đình làm. Cũng chịu cực, chịu khổ từ đó đến nay vươn lên, tạm thời lo cho các con.”

Đồng hành cùng gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, từ nguồn Qũy Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê đã hỗ trợ gia đình chị 2 con bò và giống gà, vịt để chăn nuôi. Chị đã trồng cỏ trong vườn để chăn nuôi bò, đến nay 2 bò mẹ đã sinh sản được 4 con. Từ mô hình chăn nuôi, chị đã tận dụng nguồn phân để trồng, chăm sóc hơn 300 cây cà phê, nhờ đó tiết kiệm chi phí đầu tư. Ngoài ra, chị tranh thủ thời gian để làm thêm nên có thêm thu nhập cho gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Thủy – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê cho biết:  “Hộ bà Nguyễn Thị Hạnh, ở Kông Htok, là hộ điển hình. Trước đây là thực sự khó khăn nhưng trong những năm gần đây đã có sự vươn lên tương đối tốt. Vươn lên này trước hết là sự giúp đỡ của Hội với lại của địa phương trong chính sách xóa đói giảm nghèo, nhưng vấn đề quan trọng hơn là nỗ lực của gia đình. Nỗ lực của gia đình chúng tôi xác định là nỗ lực chủ yếu, quan trọng để người ta thoát nghèo, hỗ trợ của hội, địa phương là động lực để họ thoát nghèo.”

Từ những khó khăn, vất vả nhưng với sự cố gắng, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở làng Dơ Nông, xã Kông Htok, huyện Chư Sê đã thoát nghèo, kinh tế dần ổn định để có thêm điều kiện chăm sóc con cái. Đồng thời, chị còn là tấm gương cho một số gia đình khó khăn ở địa phương học tập để phát triển kinh tế.

Thúy Diện, Minh Trung


Lượt xem: 12

Trả lời