Gắn trách nhiệm doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật 08/12/2018, 10:12:02

Để tạo sự phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh doanh và môi trường, thời gian qua nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động đầu tư trang thiết bị, đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết bài toán môi trường sau sản xuất. Tuy nhiên, để việc làm này có hiệu quả thì đòi hỏi cộng đồng và mỗi doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức, gắn trách nhiệm sản xuất kinh doanh của mình với bảo vệ môi trường.

Đi vào hoạt động từ năm 2009, nhà máy chế biến đá thuộc Công ty cổ phần đá Kon Yang tại huyện Kông Chro, có 14 máy cưa đá, 4 máy cắt quy cách, với công suất chế biến lên tới hơn 2 tấn đá thành phẩm mỗi ngày. Vì vậy, nếu dây chuyền sản xuất chạy liên tục thì nhà máy thải ra môi trường khối lượng mạc đá, tro bay, bụi và lượng nước thải không hề nhỏ. Xử lý chất thải khi ra đến môi trường cũng chính là vấn đề được nhà máy quan tâm.

Ông Nguyễn Quang Bình, Quản đốc Công ty cổ phần đá Kon Yang cho biết: “Chúng tôi có một hồ tuần hoàn nước nên toàn toàn lượng bùn được tái sử dụng; bột đá Công ty đang xin chủ trương UBND tỉnh xây dựng gạch không nung để tận dụng bùn đá để không làm độc hại đến môi trường, còn đá vụn xây dựng thì chúng tôi xay đá 1, 2 nên tận dụng triệt để không để thải ra môi trường”.

Nằm cạnh khu dân cư, xung quanh là khu vực sản xuất của người dân, dư luận địa phương đã nhiều lần lên tiếng về những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi hoa màu của bà con có biểu hiện không phát triển, hay giảm năng suất. Các đoàn giám sát đã về kiểm tra, buộc các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị xử lý môi trường, tuân thủ nghiêm các quy định về luật bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương cũng đã tăng cường công tác giám sát, tuyên truyền cho người dân cùng cộng đồng trách nhiệm, tạo điều kiện, chung tay với doanh nghiệp bảo vệ môi trường. Nhờ đó, thời gian gần đây tình hình đã có những chuyển biến, nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người dân.

 “Chúng tôi luôn quan niệm hài hòa giữa lợi ích kinh doanh và lợi ích của cộng đồng nên trong khu vực nhà máy chúng tôi đã trồng cây xanh và không để tạo ra ô nhiễm môi trường bên ngoài, đó là phương châm hoạt động của chúng tôi”, ông  Bình nói.

Về phía địa phương, chị Trịnh Thị Xuân, cán bộ địa chính xây dựng xã Kông Yang, huyện Kông Chro, Gia Lai cũng cho biết: “ UBND xã luôn luôn chú trọng, thường xuyên chỉ đạo cán bộ chuyên môn cũng như các bộ phận, các ban ngành liên quan tăng cường thường xuyên kiểm tra, giám sát. Định kỳ thì cũng xuống các thôn làng tuyên truyền rộng rãi đến bà con nhân dân tăng cường quản lý cũng như phát giác kịp thời các trường hợp vi phạm báo cáo kịp thời để chính quyền địa phương xử lý kịp thời”.

Thời gian qua, chúng ta đã ghi nhận không ít sự cố môi trường do việc sản xuất, chế biến do các doanh nghiệp gây ra, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Do đó, khi đi vào sản xuất thì bảo vệ môi trường được xem là yếu tố tiên quyết, cũng như là sống còn của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải luôn tự giác và nâng cao ý thức, việc làm của mình trong việc bảo vệ môi trường đừng để khi sự cố đáng tiếc xảy ra thì thiệt hại không chỉ thuộc doanh nghiệp mà hậu quả là tác động xấu đến xã hội…/.

Kim Ngân, Ksor Tuối


Lượt xem: 45

Trả lời