Đức Cơ đẩy mạnh liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Cập nhật 24/1/2022, 10:01:06

Đức Cơ là huyện biên giới có nhiều tiềm năng để phát triển các loại cây nông nghiệp ngắn và dài ngày với tổng diện tích đất canh tác hàng năm trên 30.000 ha. Song việc sản xuất của người dân chưa có sự liên kết từ sản xuất đến bảo tiêu sản phẩm nên chịu tác động lớn khi thị trường biến động, dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đức Cơ xác định trong giai đoạn 2021 – 2025 là đẩy mạnh liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm là con đường tất yếu để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

 

Những năm qua, việc xây dựng các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp huyện Đức Cơ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2018 – 2020, huyện đã hình thành được mối liên kết giữa một số hợp tác xã với hộ nông dân trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở địa phương là cà phê và sản phẩm thịt lợn một nắng; sản phẩm sau chế biến đã có thị trường tiêu thụ riêng với giá thu mua tương đối ổn định. Tuy nhiên, so với tiềm năng của huyện thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp thì còn rất hạn chế. Do đó, định hướng được Đảng bộ huyện Đức Cơ xác định là cần phải đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo chuỗi liên kết chặt chẽ trong bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ cho biết: “Chúng tôi rất là chú trọng việc tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp  bởi vì huyện Đức Cơ có hơn 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp,chủ yếu là diện tích cao su, cà phê, điều. Và huyện đã liên hệ với các doanh nghiệp như: Công ty Đồng Giao, Tập đoàn Lộc Trời và một số doanh nghiệp để liên kết với người dân trong sản xuất nông nghiệp, giúp bà con tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, huyện đã giao cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện liên kết với các doanh nghiệp ngoài huyện, ngoài tỉnh để cùng với bà con thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện”.

Mục tiêu được Đảng bộ huyện Đức Cơ đặt ra là đến năm 2025 trên địa bàn huyện hình thành được liên kết sản xuất tối thiểu 3 loại cây trồng, 3 loại vật nuôi chủ lực gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, mỗi xã, thị trấn phải xây dựng được ít nhất một chuỗi giá trị; trong đó, ưu tiên xây dựng các chuỗi giá trị gắn với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và có từ 1 đến 2 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của huyện tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị có đủ các điều kiện xuất khẩu nông sản. Trên cơ sở mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp và các địa phương ở huyện Đức Cơ đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện với nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, vận động người dân chủ động tham gia các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Cơ cho biết: “Các hộ dân nhận thức về liên kết chưa được sâu sắc; do đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì chúng tôi tiếp tục đầu tư thêm các chính sách;ví dụ như hỗ trợ xây dựng các mô hình, như trong năm 2021 chúng tôi đã hỗ trợ nâng cao năng suất, sản lượng cây điều; hỗ trợ nhân rộng mô hình heo sọc dưa. Và chủ yếu là chúng tôi tác động về các chính sách, hỗ trợ về giống, công nghệ, hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu, chứng nhận để có đủ điều kiện tham gia liên kết với các doanh nghiệp và đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp về nguồn gốc, tiêu chuẩn.

Bà Nguyễn Thị Thúy Loan, Chủ tịch UBND xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ cũng nói: “Thông qua các tổ hội, hợp tác xã trên địa bàn để thực hiện các chính sách hỗ trợ của hợp tác xã cũng như trong chuỗi liên kết của Nhà nước mà người dân được thụ hưởng thì hiện nay xã đang triển khai đến Nhân dân để Nhân dân hiểu để tham gia đông đảo vào chuỗi sản xuất liên kết. Mục đích là nâng cao thu nhập cho người dân và những mặt hàng nông sản làm ra có giá trị sản xuất cao”.

Đức Cơ đang tập trung đẩy mạnh xây dựng các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với những mục tiêu, giải pháp cụ thể sẽ góp phần nâng cao vị thế ngành Nông nghiệp của huyện. Quan trọng hơn là nâng cao được thu nhập cho người nông dân từ sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 40

Trả lời