Đồng bào BaNa làng Leng, xã Tơ Tung, Kbang: Lưu truyền và phát huy văn hóa cồng chiêng

Cập nhật 25/8/2014, 14:08:23

Hiện nay, ở làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) không chỉ còn lưu giữ được nhiều bộ cồng chiêng mà nơi đây còn thường xuyên diễn ra các hoạt động truyền dạy, biễu diễn cồng chiêng. Nhờ đó mà dân làng đã lưu truyền, phát huy được những nét đặc sắc của văn hóa cồng chiêng, góp phần làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của bà con. 

 

Chị em Phụ nữ làng Leng tích cực tham gia đội cồng chiêng.

 

Gia đình ông Đinh Văn Dép là một trong số nhiều gia đình ở làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) hiện vẫn còn lưu giữ được bộ cồng chiêng với tổng cộng 13 chiếc. Ông tâm sự: “con cháu, dân làng của ông đều biết chơi chiêng nên bản thân ông vui lắm”. Và ngoài gia đình ông Đinh Văn Dép thì tại làng Leng còn trên 20 bộ cồng chiêng đang được các gia đình lưu giữ. Đây chính là điều kiện để các thế hệ người dân trong làng gắn bó hơn với nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

 

Ông Dép tâm sự tiếp với chúng tôi: “Tôi thường nói với con cháu của mình cồng chiêng của ông cha từ rất lâu đời nay, phải luôn cố gắng gìn giữ cồng chiêng này từ ông bà cha mẹ mình. Bản thân tôi cũng cố gắng mà gìn giữ để truyền thống từ xưa của dân tộc mình là uống rượu, ăn lúa mới sau này đều có cồng chiêng để mà nhảy múa, ca hát được vui vẻ…”.

 

Nhờ duy trì việc luyện tập cồng chiêng thường xuyên mà làng Leng đã xây dựng được những đội chiêng mạnh so với các làng khác ở địa phương; đặc biệt trong đó có đội chiêng nữ duy nhất ở Kbang. Được thành lập từ năm 2011, đến nay đội chiêng nữ làng Leng có 60 chị em tham gia, với khoảng 20 chị em chơi chiêng thành thạo, còn lại là đội múa xoang. 

Trong niềm vui tự hào Chị Đinh Thị Khớp-Thành viên đội chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang chia sẻ:“Nhờ có những người già làng  truyền dạy lại cho chúng tôi mà chúng tôi càng thêm yêu thích cồng chiêng; và chúng tôi phải cố gắng luyện tập để bảo tồn cồng chiêng cho con cháu mình sau này”.

 

Con cháu mà chị Khớp nhắc tới là những cô bé, cậu bé đang tuổi lên 10, 15; buổi sáng cắp sách đến trường, buổi chiều theo cha mẹ lên nương, nhưng khi được tập hợp lại thì các em đều có mặt đông đủ tại nhà rông của làng để luyện tập cồng chiêng. Ông Đinh Bli – Bí thư Chi bộ làng Leng cho biết: Bà con dân làng rất vui khi việc luyện tập cồng chiêng được lứa tuổi thanh thiếu niên hăng hái tham gia. Trong thời gian các em nghỉ hè thì chúng tôi cũng cố gắng tổ chức luyện tập 1 tuần 2 lần để giữ gìn bài chiêng từ xưa mà những người già làng truyền lại cho thế hệ chúng tôi; và chúng tôi tiếp tục tập lại cho lứa tuổi thanh thiếu niên để giữ được những bài chiêng, giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc BaNa mình”.

 

Làng Leng (xã Tơ Tung) hiện có 90 hộ dân với trên 300 khẩu là người BaNa; trong đó phần lớn người dân đều biết chơi cồng chiêng, kể cả những em nhỏ. Việc các thế hệ người dân làng Leng lưu truyền và phát huy được những nét đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng đã trở thành một điểm sáng văn hóa được nhiều người biết đến. Và điều quan trọng hơn nữa là dân làng đã góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; qua đó càng thắt chặt thêm sự gắn bó, yêu thương và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ con cháu, anh em trong gia đình, buôn làng./.

Hà Duyệt(Đài Kbang)


Lượt xem: 272

Trả lời