Doanh nghiệp TPHCM – Cơ hội thành công từ các dự án nông nghiệp đầu tư vào Gia Lai

Cập nhật 14/11/2017, 16:11:23

Thông qua chương trình hợp tác phát triển giữa tỉnh Gia Lai và TPHCM, đến nay sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đã có hàng chục dự án được đầu tư vào hai địa phương. Trong đó, đã có 20 doanh nghiệp của TPHCM đầu tư 21 dự án vào Gia Lai với tổng vốn đăng ký hơn 1.700 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp được các nhà đầu tư nhận định cơ hội thành công là rất lớn. Vì đó là một trong những lợi thế lớn nhất của địa phương đang được tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm ưu tiên kêu gọi đầu tư với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi.

2 dự án với 4 nhà máy đã được UBND tỉnh Gia Lai cấp quyết định đầu tư cho Công ty TNHH Chế biến Nông lâm sản Đường Vạn Phát, các nhà máy bao gồm: Nhà máy tinh bột sắn, Nhà máy thức ăn gia súc, Nhà máy sirô cô đặc và Nhà máy sản xuất phân vi sinh với tổng vốn đăng ký hơn 1.400 tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào Gia Lai. Chính thức đầu tư vào địa bàn xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa từ năm 2010, đầu tiên với dự án Nhà máy tinh bột sắn và Nhà máy thức ăn gia súc. Sau gần 7 năm triển khai thực hiện, đến nay Nhà máy tinh bột sắn đã cơ bản hoàn thành, đang trong giai đoạn đấu nối thiết bị điện và dự kiến đầu năm 2018 sẽ đi vào hoạt động. Với công suất 250 tấn tinh bột/ngày, trung bình mỗi ngày cần 1.000 tấn củ mì tươi, nên việc Nhà máy tinh bột sắn của Công ty TNHH Chế biến Nông lâm sản Đường Vạn Phát đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết ổn định đầu ra cho cây mì trên địa bàn huyện Krông Pa, đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ. Từ đó góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội nơi doanh nghiệp đầu tư các dự án sẽ ngày càng phát triển khi tiềm năng, thế mạnh được khai thác có hiệu quả.

Bà Bùi Thị Quy, Chủ tịch HĐTV, TGĐ Cty TNHH chế biến NLS Đường Vạn Phát cho biết: “Điểm thứ nhất mà chúng tôi chọn đầu tư ở đây là vùng nguyên liệu. Đây vùng đất rộng mênh mông của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Đây là tiềm năng về phát triển vùng nguyên liệu. Nếu thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư và quy trình công nghệ đầu tư thì sẽ mang lại quyền lợi rất lớn cho người dân, nhất là người ĐBDTTS ở địa phương. Ví dụ khi trồng cây mì, cây mía, nếu trồng đúng theo quy trình và chăm bón tốt thì năng suất có thể đạt trên 100 tấn/ha”.

Đó không chỉ là nhận định, trên thực tế điều này đã được thực hiện thành công ở khu vực các huyện, thị phía Đông tỉnh Gia Lai thông qua các dự án phát triển mía đường được thực hiện hơn chục năm nay. Ngoài ra, trên một số loại cây trồng chủ lực khác của tỉnh Gia Lai như: Cà phê, cao su, hồ tiêu….các dự án đầu tư cũng đạt những hiệu quả nhất định khi các tiềm năng, thế mạnh của địa phương được đầu tư khai thác theo hướng chuyên sâu, tạo nên chuỗi liên kết, gia tăng giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên giá trị kinh tế mang lại hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương. Vì vậy, song song với công tác đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh Gia Lai còn rất quyết liệt trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời áp dụng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn.

Bà Bùi Thị Quy, Chủ tịch HĐTV, TGĐ Cty TNHH chế biến NLS Đường Vạn Phát cho biết: “Điều mà chúng tôi cảm thấy tâm huyết với Gia Lai đó là nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương. Sự quan tâm này là thật lòng, luôn đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp chứ không chỉ dừng ở việc kêu gọi không thôi. Vì vậy doanh nghiệp rất yên tâm đầu tư vào Gia Lai với mong muốn cùng địa phương thúc đẩy kinh tế – xã hội ngày một phát triển.

Ông Vi Nhất Thiệt, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Vạn Phát cũng nói: “Khi DN đầu tư vào tỉnh Gia Lai thì có được rất nhiều sự thuận lợi: thứ nhất là về khu CN tạo điều kiện rất lớn, ưu đãi nhiều cho DN. Về thủ tục hành chính nhanh, gọn, tạo thuận lợi cho DN. Ngoài ra DN còn được hưởng miễn tiền thuê đất trong 10 năm, giảm 50% tiền thuế đất, điều đó rất tốt DN khi đầu tư vào KCN”.

Với trên 1,4 triệu hecta đất nông nghiệp, trong đó đã phát triển được 100 ngàn ha cà phê, 100 ngàn ha cao su, 18 ngàn ha hồ tiêu, trên 17 ngàn ha điều, 38.500 ha mía, 51.600 ha ngô, 63.700 ha  sắn, 4.100 ha thuốc lá, hơn 1 ngàn ha chè… không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào trong khi dư địa nông nghiệp còn khá lớn, vì vậy cơ hội thành công khi đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp vào Gia Lai là rất lớn.

Hng Uyên, Thanh Sáng


Lượt xem: 112

Trả lời