Doanh nghiệp phấn khởi trước đề nghị của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Cập nhật 14/8/2020, 16:08:40

Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa kịp hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau những ảnh hưởng của dịch Covid – 19 ở đợt đầu thì nay lại phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn mới khi dịch tái bùng phát trở lại. Chính vì vậy, trước thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có văn bản gửi các ngân hàng yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhiều doanh nghiệp rất phấn khởi và mong đề nghị này sẽ sớm được triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Là đơn vị chuyên thi công xây lắp các công trình điện, ông Trần Văn Trong – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thùy Dương cho biết: So với cùng kỳ năm ngoái, từ đầu năm đến nay khối lượng công việc của đơn vị giảm đến 70%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 nên nhiều chủ đầu tư là đối tác của doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch triển khai thi công công trình, trong đó có một số đối tác nước ngoài. Công việc bị gián đoạn, doanh thu sụt giảm nên để xoay sở tiền lãi ngân hàng đối với các khoản vay để đầu tư mua sắm vật tư, máy móc thiết bị, là một áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp.

Ông  Trong nói: “Dịch Covid trong làn sóng thứ nhất nhiều doanh nghiệp cũng đã điêu đứng rồi, vừa rồi lại thêm làn sóng thứ hai, các doanh nghiệp rất khó khăn. Hầu như các chủ đầu tư đều tạm dừng hoặc chỉ làm cầm chừng. Nên một số doanh nghiệp như chúng tôi không có việc làm, một số chỉ làm cầm chừng trong khi đó nhà thầu đa số dùng vốn vay ngân hàng để mua vật tư trang thiết bị máy móc cũng như tạm ứng tiền cho người lao động. Đến giờ các doanh nghiệp do dịch bệnh nên đang tạm dừng công trình nên chúng tôi bắt buộc , vật tư thiết bị máy móc thì mua về rồi, bây giờ phải đứng ra gồng gánh lãi suất ngân hàng nên đó là áp lực rất lớn. Ngoài ra còn phải chi trả tiền lương của bộ máy”.

Áp lực lãi suất cũng là tình trạng chung hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp. Ảnh hưởng của dịch Covid – 19, từ đầu năm đến nay nếu may mắn không dừng hoạt động thì nhiều doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Vì nhu cầu nhập khẩu của các nước sụt giảm, cộng thêm là việc thắt chặt các hoạt động giao thương. Điển hình như doanh nghiệp này, trước đây trung bình mỗi tháng tiêu thụ được khoảng 20 tấn cà phê bột, thế nhưng những tháng qua chỉ đạt được 2/3, tức là giảm còn 12 tấn trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải gồng mình để giải quyết việc làm cho trên dưới 50 lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động cùng các khoản chi phí khác để vận hành bộ máy hoạt động. Vì vậy việc ngân hàng chia sẻ cùng doanh nghiệp lúc này thông qua hình thức giảm lãi suất sẽ phần nào giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Giám đốc Công ty CP Cà phê Classic, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai cũng nói: “Tôi cho rằng đây là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời. Nhiều doanh nghiệp phải chống chọi với việc giữ nhân viên, cầm cự trong đợt covid này thì việc ngân hàng nhà nước có những can thiệp như vậy rất cần thiết”.

Dịch bệnh Covid – 19 đã và đang khiến cho nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới bị suy giảm và Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng chung đó. Để nền kinh tế không bị đứt gãy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều này đã kịp thời giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch Covid – 19 tái bùng phát trở lại bằng cách tiếp tục giảm lãi suất cho vay, động thái này của Ngân hàng Nhà nước được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là rất kịp thời. Tuy nhiên để có thể được hưởng mức lãi suất giảm như chủ trương của Ngân hàng Nhà nước đưa ra, có ý kiến cho rằng không chỉ thực hiện đối với các gói vay mới mà áp dụng cả những gói vay cũ để tránh tình trạng doanh nghiệp muốn được hưởng mức lãi suất thấp đã phải bằng mọi cách đáo hạn để làm lại gói vay mới, điều này rất dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực khác.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm trao đổi thêm: “Đợt vừa rồi,một số ngân hàng có điều chỉnh lãi suất cho vay đối với một số gói vay mới giảm hơn so với các gói vay cũ bằng cách DN nếu tái một gói vay mới thì ngân hàng cho một mức vay giảm. Thay vì chờ chứng minh doanh nghiệp khó khăn thì DN đáo hạn những món vay cũ để được hưởng chính sách mới về mặt lãi suất. Nhưng đó cũng là một vấn đề đối với DN khi DN phải tìm một lượng tiền mặt để đáo hạn những món vay cũ nhưng vì sự sống còn của DN thì DN vẫn tìm mọi cách để có được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng”.

Khó khăn là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh Covid – 19 trong nước cũng như trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và xác định sẽ còn kéo dài. Lúc này điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có một sức đề kháng tốt. Vì vậy, ngoài nội lực của  doanh nghiệp, nếu các chính sách hỗ trợ của nhà nước liên quan đến thuế, lãi suất…được triển khai thực hiện kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, cộng đồng doanh nghiệp sẽ giữ vững vai trò lực lượng nòng cốt đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế./.

Hồng Uyên, Phi Long


Lượt xem: 34

Trả lời