Doanh nghiệp Gia Lai hội nhập và phát triển

Cập nhật 12/10/2018, 15:10:57

Khắc phục khó khăn, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo nên những thương hiệu sản phẩm từ các tiềm năng, lợi thế hiện có của địa phương… là hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư phát triển. Tuy chỉ mới là sự khởi đầu, nhưng các doanh nghiệp đã đạt được những thành quả nhất định trên con đường chinh phục sự thành công, bắt nhịp với nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng.

Công nghiệp chế biến sâu từ các sản phẩm nông nghiệp là lĩnh vực Gia Lai còn nhiều tiềm năng và đang cần được đầu tư. Tuy còn khá khiêm tốn, song sau rất nhiều nỗ lực và tâm huyết, một số doanh nghiệp của Gia Lai đã có những dự án xây dựng phát triển thương hiệu từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như cà phê, hồ tiêu, điều. Và hiện nay trên thị trường, một số sản phẩm mang thương hiệu Gia Lai tuy mới ra đời nhưng đã chinh phục được người tiêu dùng. Trong đó có sản phẩm duy nhất mang thương hiệu Gia Lai, đó là hạt điều. Tuy có lợi thế rất lớn về phát triển cây điều, nhưng cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, từ trước đến nay chỉ xuất thô, nhưng hiện nay đã có doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất hạt điều thành phẩm mang thương hiệu Gia Lai được đưa ra thị trường. Sản phẩm đã được chứng nhận Iso 22000 và Haccp  – đây là một trong những điều kiện để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm – Giám đốc Công ty CP hạt điều Hải Bình Gia Lai cho biết: “Hiện nay sản phẩm được tiêu thụ thông qua các kênh siêu thị và chúng tôi đang mở rộng thị trường ra nước ngoài. Với địa phương có thế mạnh lớn về phát triển cây điều thì tôi thấy đây là một tiềm năng rất lớn để phát triển thương hiệu điều thành phẩm. Hướng sắp đến chúng tôi sẽ liên kết với nông dân để xây dựng các vùng nguyên liệu điều để thực hiện quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm nâng chất lượng, giá trị hạt điều”.

Với thời tiết khí hậu ôn hòa, phát triển rau xanh cũng là thế mạnh lớn của tỉnh Gia Lai. Khai thác tiềm năng, thế mạnh này, đã có doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Quy trình chăm sóc được tự động hóa hoàn toàn. Đó là rau củ quả Hương đất Gia Lai. Doanh nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay trung bình mỗi ngày đơn vị sản xuất đưa ra thị trường khoảng 1 tấn rau củ quả các loại.

 Ông Nguyễn Ngọc Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương đất cũng cho biết: “Sản xuất theo công nghệ hiện đại, trong đó một số sản phẩm đang được áp dụng theo công nghệ 4.0, tự động hóa hoàn toàn nên đã sản xuất được một số mặt hàng cao cấp mà trước đây không làm được như: cải bó xôi, cà chua cao cấp, dưa leo baby…và được thị trường rất ưa chuộng. Khi mà vấn đề ATVSTP ngày càng được quan tâm, nhu cầu người tiêu dùng ngày càng cao thì tôi nghĩ sản xuất rau sạch là hướng đi phù hợp và hiện nay Gia Lai còn rất nhiều tiềm năng cần được đầu tư”.

Du lịch cũng là lĩnh vực được Gia Lai ưu tiên thu hút đầu tư. Theo đó các loại hình dịch vụ, giải trí đi kèm cũng đang được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, góp phần đưa ngành du lịch của Gia Lai phát triển đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Hiệu – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyễn Hiệu Gia Lai nói: “Trong khi Gia Lai đang phát triển mạnh về du lịch thì đi kèm với đó là các dịch vụ cũng phát triển. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp, mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là hướng đến sự văn minh và chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh cũng như phục vụ khách du lịch với một điều kiện tốt nhất”.

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, thời gian qua Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong vai trò cầu nối đưa tiếng nói doanh nghiệp đến với các cấp, các ngành, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp được bảo vệ.

Bà Nguyễn Thị Sen – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai cho biết: “Những năm qua HHDN tỉnh đã luôn đồng hành cùng với DN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tín dụng để giúp DN phát triển hiệu quả, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách, tham gia giải quyết việc làm, thực hiện tốt công tác ASXH trên địa bàn”.

Mặc dù hơn 90% doanh nghiệp của Gia Lai có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khả năng quản trị, năng lực tài chính còn hạn chế, song trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp đã tìm cho mình được hướng đi phù hợp với xu thế phát triển chung khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, đó thật sự là những tín hiệu rất đáng mừng về sự phát triển doanh nghiệp địa phương về trước mắt cũng như trong tương lai. Tin rằng với cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp mà các cấp, các ngành của tỉnh đang tích cực thực hiện sẽ tạo động lực để doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh, phát triển mạnh mẽ, tạo nên những giá trị kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có.

Hồng Uyên, Xuân Huy


Lượt xem: 38

Trả lời