Đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tìm hiểu thực tế tại huyện Chư Păh

Cập nhật 26/11/2021, 17:11:56

Sau khi làm việc với lãnh đạo huyện Chư Păh vào sáng nay 26/11, chiều nay, Đoàn nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về chính sách nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đã đi tìm hiểu thực tế tại 3 xã Nghĩa Hưng, Ia Phí và Đăk Tơver, huyện Chư Păh.

Tại 3 xã: Nghĩa Hưng, Ia Phí và Đăk Tơver, Đoàn nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tìm hiểu, nắm thông tin thông qua đánh giá thực trạng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân trên một số lĩnh vực: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy khai sinh, đăng ký thường trú, cấp bảo hiểm y tế. Qua thực tế cho thấy 3 địa phương đã có những nỗ lực, cố gắng trong việc cải cách hành chính và áp dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thủ tục cho người dân. “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” được triển khai thực hiện theo quy trình “một cửa”, nơi tiếp nhận có các bảng thông tin trợ giúp pháp lý về thủ tục đăng ký chứng nhận quyền sử dụng đất, liên thông khai sinh, hộ khẩu, sổ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để giải quyết công việc của người dân được thuận lợi. Tuy nhiên, về triển khai dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 và cấp độ 4 ở cơ sở đang gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, cơ sở hạ tầng thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ phụ trách các bộ phận chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; các dữ liệu thông tin cung cấp lên trang điện tử địa phương còn nhiều hạn chế. Người dân trên địa bàn đa số là nông dân, ít được tiếp xúc với công nghệ thông tin, do vậy việc tiếp cận với các dịch vụ trực tuyến công là rất khó khăn.

Trên cơ sở tìm hiểu thực tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Chiến- Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đưa ra một số giải pháp, đó là: tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin ở cơ sở, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ phụ trách các bộ phận tại địa phương; đẩy mạnh tư vấn trực tuyến cho người dân, lược bỏ những phần dịch vụ không phù hợp trong quá trình thực hiện; triển khai chuyển đổi số dịch vụ công với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm để phục vụ; tăng cường triển khai, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật trong dữ liệu lưu trữ, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến tại địa phương./.

Ngọc Ánh, RPiên


Lượt xem: 20

Trả lời