Di tích Rộc Tưng – thêm điểm tham quan, phục vụ công chúng

Cập nhật 09/11/2018, 08:11:12

Di tích Rộc Tưng 1,  thôn An Xuân 1, xã Xuân An, TX An Khê được các nhà khảo cổ học phát hiện loài người sống cổ xưa nhất chỉ sau khi phát hiện về đồ đá cũ ở Núi Đọ (Thanh Hóa) và  Xuân Lộc (Đồng Nai).

Theo PGS, TS Nguyễn Giang Hải – Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định nếu như những phát hiện về đồ đá cũ ở Núi Đọ (Thanh Hóa), Xuân Lộc (Đồng Nai) chỉ như những tia sáng chợt lóe, chưa đủ độ tin cậy để thuyết phục giới nghiên cứu khảo cổ trên thế giới thì việc phát hiện di tích thời đá cũ ở các điểm Rộc Tưng, đặc biệt là Rộc Tưng 1 ở An Khê lại càng có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu khảo cổ học thời đại đá cũ ở Việt Nam.

Từ 2015-2019, Viện khảo cổ học phối hợp với Viện khảo cổ học dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga tiếp tục khai quật ở khu vực gò đá Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7 thuộc thị xã An Khê. Ngoài 2 điểm được phát hiện là nơi chế tác công cụ thì Rộc Tưng 1 còn được phát hiện là nơi cư trú cổ xưa nhất của loài người.

Anh Trần Đình Luân, Tổ trưởng Tổ Quản lý Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo – TX An Khê cho biết: “Đây là một cục đá được đẽo 2 mặt được làm bằng đá, người xưa dùng để chặt cây, xẻ con thú. Công cụ này có niên đại trên dưới 800 ngàn năm và trong hố khai quật này còn rất nhiều công cụ nữa: như công cụ chóp pơ là công cụ đẽo thô sơ, nó được làm từ hòn đá cuội tự nhiên và người ta đã đẽo 2 bên để chặt cây hoặc làm công dụng khác nữa.

Năm 2014 chỉ là phát hiện công cụ lao động lẻ tẻ trên bề mặt, bắt đầu năm 2015 khai quật ở gò đá và đào một số hố thám sát ở Rộc Tưng, mục đích là biết được địa điểm nào có tầng văn hóa và có nhiều công cụ lao động thì sẽ tiến hành khai quật và khi đào thám sát ở Rộc Tưng 1 thì thấy hiện vật và tầng văn hóa còn nguyên vẹn và dày”.

Hố thám sát Rộc Tưng 1 có tổng diện tích 80m2, để phục vụ cho công tác nghiên cứu kéo dài trong vòng 5 năm (2015 – 2019) thì hiện UBND thị xã An Khê đã đầu tư nhà bảo vệ với kết cấu tường rào cao 1,5m, mái che bằng khung sắt lợp tôn. UBND xã Xuân An cũng đã có phương án trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ở khu vực này.

Ông Nguyễn Ngọc Lai, PCT UBND xã Xuân An, TX An Khê cho biết: “Hiện nay UBND thị xã cũng đã đầu tư tuyến đường từ vùng An Xuân 1, đến các điểm Rộc Tưng. Sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ tạo được cảnh quan, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và cho mọi tham quan. Riêng đối với xã thì đã được UBND xã chỉ đạo thực hiện tuyên truyền và phổ biến cho người dân về tầm quan trọng giá trị lịch sử của khu di tích để cho người dân cùng với chính quyền địa phương và UBND thị xã phát huy lịch sử của nó trong thời gian tới. Đồng thời UBND xã cũng có kế hoạch phối hợp với các cơ quan cấp trên bảo vệ các điểm di tích này”.

Những phát hiện, nghiên cứu khảo cổ học mới đây ở An Khê đã thực sự mở ra triển vọng lớn cho các chương trình hợp tác quốc tế, nghiên cứu lâu dài của nhiều chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là niên đại của các di tích được phát hiện ở các điểm Rộc Tưng tại xã Xuân An,  thị xã An Khê đã dần khẳng định những chứng cứ về địa tầng, loại hình di vật và xác định được cơ tầng văn hóa thời đồ đá.

Được biết đây cũng chính là công trình khảo cổ đầu tiên tại Tây Nguyên được bảo tồn ngoài trời. Các đoàn khảo cổ sẽ tiếp tục nghiên cứu và biến nơi đây trở thành một khu “bảo tàng ngoài trời”. Những di tích được phát hiện tại các điểm Rộc Tưng tại xã Xuân An, TX An Khê không chỉ có ý nghĩa đối với công trình nghiên cứu khoa học mà còn là điểm tham quan mới đối với khách du lịch khi đến với Gia Lai./.

Lệ Xuân ,Thu Thủy,  R’Piên


Lượt xem: 314

Trả lời