Để tiếng đàn T’rưng vang mãi

Cập nhật 23/3/2018, 08:03:56

Với đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, nếu như âm thanh của những tiếng cồng tiếng chiêng là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ, hội cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày; thì những nhạc cụ dân tộc khác như đàn Goong hay đàn T’rưng cũng chính là đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ một loại nhạc cụ nào. Và theo thời gian, âm thanh của những tiếng đàn Goong, đàn T’rưng hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió cứ thế vang vọng nơi núi rừng Tây Nguyên nhờ tình yêu và sự đam mê của những người con Jrai, BaNa như ông Siu Chi ở làng Gran, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Giữa cái nắng oi nồng của tháng Ba Tây Nguyên, âm thanh của tiếng đàn T’rưng ngày qua ngày vẫn cứ vang lên nơi căn nhà nhỏ của ông Siu Chi ở đầu làng Gran, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê. Xua tan đi những mệt mỏi, vất vả sau những giờ lên nương rẫy, tiếng đàn T’rưng như làm dịu đi cái nắng nóng của đất trời và mang lại cảm giác thư thái trong ông. Hơn 50 năm gắn bó với loại nhạc cụ này, với ông Siu Chi, không ngày nào có thể thiếu tiếng đàn T’rưng bởi đó như là hơi thở, là cuộc sống của ông.

Ông Siu Chi chia sẻ: “Năm 1968 Siu Sang dạy cho mình đàn này 3 đến 4 ngày là mình biết. Xong rồi năm 1973 đi bộ đội trở về nhà rồi mình học lại”.

Hơn 10 chiếc đàn T’rưng do chính tay ông làm, chiếc thì cho, chiếc thì biếu tặng; và còn lại với ông giờ đây là chiếc đàn duy nhất đã gắn bó bao nhiêu năm nay. Đam mê tiếng đàn T’rưng từ khi nhỏ nên ngoài học cách đánh đàn, ông còn học cả cách làm đàn như để thỏa niềm đam mê ấy. Với ông, mỗi chiếc đàn T’rưng được làm ra như là một món quà mà ông muốn gửi tặng để tiếng đàn T’rưng có thể ngân vang mãi. Ông Siu Chi cho biết: Vật liệu để làm đàn T’rưng có thể là tre, là nứa hoặc là lồ ô. Mỗi chiếc đàn gồm 14 ống theo độ dài-ngắn và to-nhỏ khác nhau. Làm đàn T’rưng không khó nhưng cái quan trọng nhất đó là cách thẩm âm, làm sao để từng ống trong một chiếc đàn có thể cho ra những âm thanh chuẩn và khác nhau. Như nhịp thở của trái tim mình, với ông Siu Chi, tiếng đàn T’rưng giờ đây không thể thiếu mỗi ngày; và điều làm ông luôn trăn trở đó là liệu âm thanh của tiếng đàn T’rưng này ở làng Gran có còn được vang lên khi ông và vài ba người lớn tuổi nữa biết đánh đàn của làng không còn.

Ông Siu Chi – làng Gran, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết: “Cái này là không có người đánh. Mình dạy mà trẻ nó không chịu nghe. Mình đánh nó nhìn vậy thôi chứ không chịu học. Có đàn này thì vui, rồi múa rồi hát. Giờ thì không có người học, chịu thôi. Tôi già rồi tôi chết, nên sẽ rất buồn”.

Tiếng đàn T’rưng mỗi ngày càng thêm điêu luyện, và dường như trong tận sâu thẳm tâm hồn gửi gắm qua tiếng đàn ấy, điều mong muốn nhất của “già Chi” vẫn là làm thế nào để tiếng đàn T’rưng ngân vang và vọng mãi nơi núi rừng Tây Nguyên./.

Mỹ Tiến, Đặng Trà


Lượt xem: 134

Trả lời