Đẩy nhanh tiến độ xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu trong vùng đồng bào DTTS

Cập nhật 25/6/2018, 09:06:48

Thực hiện Chỉ thị số 12 của Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, phấn đấu trong năm 2018, mỗi địa phương có 01 làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số theo kế hoạch, mục tiêu đã đề ra.

     Để thực hiện kế hoạch này, hiện nay các địa phương trong tỉnh đã, đang xây dựng các phương án quy hoạch, rà soát đánh giá đúng thực trạng, có phương án chi tiết xây dựng khu dân cư, có lộ trình, giải pháp lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác, cân đối, bố trí các nguồn lực triển khai đạt hiệu quả cao nhất; chú trọng, khuyến khích xã hội hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sau đây là ghi nhận việc triển khai tại huyện  huyện Kông Chro và Đăk Pơ.

Làng Hle Hlang, xã Yang Trung được huyện Kông Chro chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu trong vùng đồng bào DTTS theo Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Để chương trình đạt được tiến độ, yêu cầu đề ra, thời điểm này, cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương đang tập trung hoàn thiện quy hoạch, thi công các tuyến đường để chuẩn bị cho việc di dời nhà cửa. Điều đáng mừng là không chỉ đồng thuận với chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con làng Hle Hlang còn tham gia hiến đất để xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu…

Ông Đinh Văn M Lơn, làng Hle Hlang, xã Yang Trung, huyện Kông Chro nói: “Qua tuyên truyền, vận động thì hầu hết các hộ dân chúng tôi đã đồng ý hiến đất làm đường. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ và  giúp bà con trong làng trong việc di dời và làm ăn sản xuất sau này sẽ được  phát triển hơn”.
Ông Đinh Khoanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Yang Trung, huyện Kông Chro cho biết một số khó khăn khi thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn: “Khó khăn hiện tại là 1 số  hộ thiếu kinh phí chỉnh trang nhà cửa và thực hiện di dời, chúng tôi xuống vận động để thực hiện chương trình này. Chúng tôi xem xét và cũng đã đề xuất Thường trực Huyện ủy bàn về chủ trương này sẽ lấy nguồn quỹ vì người nghèo của huyện để hỗ trợ sắp tới trong quá trình di dời nhà cho bà con”.
Đăk Pơ là huyện điểm được UBND tỉnh chọn để phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020. Trong năm nay và 2 năm tới, bên cạnh việc duy trì và nâng cao các tiêu chí ở 4 xã đã đạt chuẩn, huyện sẽ phải nỗ lực giúp 3 xã còn lại, gồm: Yang Bắc, Ya Hội và An Thành về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt trong năm nay, huyện sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng làng Yun, xã Yang Bắc trở thành làng nông thôn mới kiểu mẫu trong vùng đồng bào DTTS theo chỉ đạo chung của tỉnh.

Hiện nay, kết cấu hạ tầng tại  làng Yun đã được định hình, các công trình phúc lợi trên địa bàn như: Đường giao thông, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng… đã được xây dựng, do đó, nguồn kinh phí và giải pháp sẽ tập trung vào 2 tiêu chí khó khăn nhất đối với địa phương đó là thu nhập và hộ nghèo…

Ông Võ Viết Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ cho biết: “Với hơn 90% dân số là người Ba Na, việc hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Do đó, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ở bản thân mỗi người dân, mặt khác chúng tôi sẽ hỗ trợ các mô hình để bà con vươn lên. Theo kế hoạch, sau khi có vốn phân bổ chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con thực hiện các công trình vệ sinh và đầu tư sản xuất”.

Theo quy hoạch, tất cả các ngôi nhà ở làng Hle Hlang, xã Yang Trung, huyện Kông Chro và làng Yun, xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ sau khi sắp xếp lại đều quay mặt ra đường. Các khu vệ sinh, vườn, chuồng trại… sẽ được bố trí phía sau nhà, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, hình thành khu dân cư kiểu mẫu, giúp bà con ổn định sinh kế bền vững… Tạo cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình tại địa phương…/.
Ngọc Ánh, Piên


Lượt xem: 127

Trả lời