DẤU ẤN CHỈ THỊ 12 – Kỳ 2: Chỉ thị 12-Sức sống mới cho các làng DTTS

Cập nhật 29/5/2023, 20:05:00

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 12 ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai “Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với phát huy chủ thể của Nhân dân, sự tham gia tích cực của các đơn vị lực lượng vũ trang, xây dựng làng nông thôn mới đã trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng, tạo được những tác động, hiệu ứng xã hội tích cực về một chủ trương, chỉ thị trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ và các phong trào, cuộc vận động trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo của các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều thay đổi căn bản và toàn diện với kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên…

Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nêu rõ: Các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là người đứng đầu xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên… Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiều địa phương trong tỉnh đã linh động trong cách làm. Các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND, UBMTTQ huyện, xã… cùng các phòng chuyên môn đã tổ chức đối thoại với nhân dân… Và khi có sự đồng thuận, người dân đã không tiếc công, tiếc của, sẵn sàng hy sinh cái lợi trước mắt để tiến tới lợi ích chung, như trường hợp của đảng viên Kpuih Nhoaih, làng Klũh, xã Ia Bòong, huyện Chư Prông – người đã phá bỏ hàng chục cây cà phê chuẩn bị cho thu hoạch để hiến đất làm đường giao thông nông thôn…

Ông Kpuih Nhoaih – Làng Klũh, xã Ia Boong, huyện Chư Prông, Gia Lai nói “Đây là chủ trương của tỉnh của huyện làm nông thôn mới nên tôi hiến đất làm đường. Cắt bỏ hai mấy, ba mấy cây cà phê, nói gia đình phải thông cảm và ủng hộ…”

Thực hiện Chỉ thị 12, từ năm 2018 – 2022, có 206 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số của 17 huyện, thị xã, thành phố (trên tổng số 968 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới… Các làng đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới được các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn rà soát thực trạng, xây dựng kế hoạch thực hiện hoàn thành đạt chuẩn các tiêu chí; có giải pháp huy động các nguồn kinh phí và phân công nhiệm vụ phụ trách tiêu chí, phụ trách làng để triển khai thực hiện…

Một số kết quả nổi bật trong thực hiện các tiêu chí về làng nông thôn mới: Đã làm mới, nâng cấp, sửa chữa hơn 9.000 km đường giao thông, 231 công trình cầu cống các loại; kiên cố hóa, nạo vét, khơi thông 923 km kênh mương và duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất; xây dựng, cải tạo 196 công trình trường học tại các trường và các điểm trường; xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp 133 công trình nhà văn hóa và sân thể thao thôn, làng; hỗ trợ xây mới, xóa nhà tạm, di dời nhà ở cho 4.107 hộ; tổ chức hơn 780 lớp đào tạo nghề nông thôn cho 17.850 lượt người tham gia. Sinh hoạt, tập quán của người dân ở các thôn, làng từng bước thay đổi theo hướng văn minh. Các hộ dân làm hàng rào trước nhà, xung quanh nhà, đã di dời hơn 1.990 chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở, đảm bảo vệ sinh; làm hơn 735 km con đường hoa, 829 km hàng rào xanh; vận động, hỗ trợ 22.353 hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; xây mới, nâng cấp hơn 170 công trình cấp nước sinh hoạt tại các thôn, làng và hộ gia đình; thu nhập bình quân đầu người tại các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn từ 39 – 44,85 triệu đồng/người/năm…

Tổng kinh phí các địa phương đã huy động triển khai xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2018 – 2022 là hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước gần 1.300 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hỗ trợ gần 24 tỷ đồng; vốn Nhân dân đóng góp gần 155 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn  43 tỷ đồng…

Các địa phương đã huy động được hơn 96.000 ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, nhà ở, các công trình phụ trợ, như: Nhà tắm, nhà tiêu, làm chuồng trại chăn nuôi, hàng rào. Người dân đã hiến 400.830 m2 đất ở, đất vườn để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn, làng, đường giao thông nông thôn, đào hố rác, di chuyển nhà ở, chuồng trại, trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường…

Qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 12, toàn tỉnh có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới trên tổng số 206 thôn, làng đăng ký…

Phải nói rằng, chương trình xây dựng nông thôn mới từ Chỉ thị 12 đã và đang tạo sức bật, góp phần không nhỏ giúp đồng bào DTTS cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Về với nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai hôm nay, không khó để bắt gặp hình ảnh của những ngôi làng nông thôn mới khang trang, sạch đẹp…

Già làng Rơ Chăm Tích – Làng Moóc Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai nói “Mừng nhất là đời sống bà con thay đổi hẳn so với ngày xưa. Cái thứ hai về sự đoàn kết của bà con không bao giờ chia rẽ, đoàn kết rất chặt chẽ…”

Già làng Kpă Ghi – Làng Phun-Thanh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai chia sẻ “Đường xá bây giờ tốt rồi, dân làng cũng làm ăn phát triển kinh tế, từ đó dân xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa tốt hơn…”

Anh Đinh Byei – Plei Trớ, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai bày tỏ “Cảm xúc của tôi nói riêng, làng Trớ nói chung khó mà diễn tả, vì là trước đây, bà con trong làng nhà cửa chưa sắp xếp lại rất lộn xộn, mà bây giờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước sắp xếp nông thôn mới cho Plei Trớ chúng tôi thì đã khác biệt so với hiện trạng trước đây, đẹp hơn, sạch hơn, gọn gàng hơn…”

Ông Vũ Hồng Duy – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện, Gia Lai “Chỉ thị số 12 là động lực để các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vươn lên thoát nghèo bền vững, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nguồn lực triển khai để có thêm các làng đạt chuẩn…”

Qua 5 năm triển khai Chỉ thị 12 đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, phát huy có hiệu quả vai trò của chủ thể là Nhân dân và sự tham gia hỗ trợ của các lực lượng chức năng, trong đó có quân đội. Đó sẽ là nội dung của kỳ 3 series phóng sự về Dấu ấn Chỉ thị 12 ở tỉnh Gia Lai chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị và các bạn trong Chương trình Thời sự tối mai (30/5)./.

Song Nguyễn – Mạnh Hà – Ksor Tuối – Viễn Khánh


Lượt xem: 16

Trả lời