Đất và người Tây Nguyên qua những bức họa của Họa sĩ Xu Man

Cập nhật 29/11/2018, 08:11:15

Họa sỹ Xu Man là một trong những người con của Tây Nguyên vinh dự được gặp Bác Hồ. Trong chặng đường sáng tạo nghệ thuật của mình, Bác Hồ luôn là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của Họa sỹ người Bana này. Bên cạnh những nét độc đáo, thể hiện bản sắc riêng trong tranh vẽ thì đến thời điểm này, Xu Man là Họa sĩ Tây Nguyên đầu tiên và duy nhất vinh dự nhận được Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm của mình. Họa sĩ Xu Man  – Những gì còn lại… là chủ đề của triển lãm sẽ được tổ chức tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại tỉnh Gia Lai sắp tới.

Hơn 50 năm cầm cọ, Họa sỹ Xu Man đã vẽ hàng ngàn bức tranh, chủ yếu là tranh sơn mài, sơn dầu và không giữ lại cho riêng mình tác phẩm nào… Tác phẩm của ông thường là những bố cục rất đông người, với vô vàn họa tiết trang trí gắn trên kiến trúc, trang phục, đạo cụ, tạo nên những cảnh tượng tươi vui, náo nhiệt mà không kém phần tôn nghiêm giữa không gian tôn nghiêm của núi rừng cao nguyên hoang dã. Là người lặng lẽ, ông vẽ chỉ để cho và tặng với bút pháp tả thực tự nhiên, mộc mạc mà sống động qua mỗi nét vẽ, từng chủ thể… Đa dạng trong phong cách thể hiện song tranh vẽ của ông chủ yếu là núi rừng, con người Tây Nguyên và Bác Hồ.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ – Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VH – TT&DL cho biết: “May mắn trong cuộc đời Xu Man là năm 1962 ông vinh dự được gặp Bác Hồ và ấn tượng đó quá mạnh mẽ nên cả cuộc đời, tâm trí ông, trong sáng tác của ông đều có hình dáng của Bác. Khi ông còn sống, chúng tôi nói chuyện với ông thì ông cũng thường nhắc đến Bác Hồ, nhớ Bác Hồ như một niềm vinh dự, tự hào của người Tây Nguyên. Các tác phẩm của Xu Man giúp cho chúng ta hiểu hơn về tấm lòng của người Tây Nguyên yêu kính đối với Bác Hồ như thế nào”.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng nhận xét: “Phải nói rằng Xu Man là Họa sĩ hàng đầu của Tây Nguyên. Ông viết, ông vẽ dân tộc Bana và đồng bào Tây Nguyên và chủ yếu là tình cảm của đồng bào Tây Nguyên đối với Bác Hồ, với cách mạng. Trong những năm được đào tạo, ông suốt ngày suốt đêm vẽ. Như ông Đỗ Phấn có nói một câu là trên thế gian này không kiếm được ai như ông Xu Man, ông Xu Man không thể làm được gì xấu cả”.

Chính vì những phong cách riêng và độc đáo ấy mà năm 1974 khi còn là sinh viên Trường Mỹ Thuật Việt Nam, tranh của Xu Man đã vinh dự có mặt trong Bảo tàng Quốc gia Việt Nam và năm 1976, ông đã đạt Giải A toàn quốc về Hội họa và năm 2012, Họa sĩ Xu Man được truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm: “Bác Hồ với tình yêu Tây Nguyên”, “Bác Hồ với Tây Nguyên”, “Ngày hội trên Tây Nguyên”, “Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên”.

Nằm trong các hoạt động, lễ hội của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại tỉnh Gia Lai, những tranh, ảnh, tư liệu về Họa sĩ Xu Man do Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ – Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VH – TT & DL cùng các cộng sự cất công sưu tầm trong hơn 5 năm qua sẽ được trưng bày tại đường Anh hùng Núp từ ngày 29/11 đến ngày 2/12 sắp tới. Điều đặc biệt là nhiều hình ảnh, tư liệu lần đầu tiên được công bố tại triển lãm.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ – Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VH – TT &DL cho biết: “Triển lãm của chúng tôi mang chủ đề: Xu Man và những gì còn lại. Triển lãm lần này như một lời cảm ơn đến ông Xu Man và những ai yêu quý ông Xu Man. Rất may, Festival lần này chúng tôi có cơ hội thể hiện điều này, chúng ta có cách nhìn nhận khác hơn về Xu Man. Không phải ai cũng biết Xu Man là ai, có thể trong triển lãm lần này chúng tôi nói với mọi người rằng Xu Man ông là ai và những gì ông còn lại là gì”.

Thiên Thanh, Xuân Huy


Lượt xem: 196

Trả lời