Đảng bộ Chư Păh tập trung triển khai Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cập nhật 28/11/2021, 07:11:28

Trên cơ sở các chương trình trọng tâm đã xác định trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện Chư Păh đã cụ thể hóa thành các đề án để triển khai thực hiện. Trong đó, Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định là bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống cho người dân ở địa phương. Ngay sau khi xây dựng và ban hành đề án, Đảng bộ huyện Chư Păh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện nhằm sớm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.

Sau khi thu hoạch xong đợt 3, gia đình ông Nguyên đang xuống giống dưa lưới để bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Toàn bộ 2 sào rưỡi dưa này được gia đình ông trồng trong nhà màng và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tới từng gốc. Ông Nguyên cho biết: Hệ thống tưới nhỏ giọt rất là hữu ích vì đảm bảo việc cung cấp nước, phân bón cho cây nên đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao; bình quân mỗi vụ gia đình ông thu được trên dưới 55 triệu đồng một sào.

Ông Phan Văn Nguyên, Thôn Ia Sik, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh cho biết: “Việc bón phân và tưới nước tiết kiệm này thì nó vô cùng hiệu quả và có lợi về nhân công. Mình chỉ cần hòa chung trong 1 bể rồi bấm máy hẹn giờ thì 1 tiếng mình tưới 5 đến 7 phút tùy vào độ tuổi của cây. Cho nên mình tiết kiệm rất nhiều về công lao động và đảm bảo không thất thoát về phân bón vì mình có thể căn từng mức mà cây trồng hấp thụ. Tôi trồng đây đã hơn 2 năm, 1 năm là 4 vụ, mỗi vụ từ 3,5 tấn đến 3,7 tấn/sào và bán với giá 30.000 đồng”.

Theo thống kê, huyện Chư Păh có tổng diện tích cây trồng hàng năm là trên 56.400 ha. Trong đó: chủ yếu là các loại cây lâu năm với hơn 29.000 ha, như: Cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả; còn lại là đất trồng cây hàng năm, như: lúa nước, hoa màu cây rau màu và đất lúa nước. Dù những năm gần đây, với định hướng, hỗ trợ của địa phương, người dân đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, song tổng diện tích cây trồng ở huyện Chư Păh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; chủ yếu là trên cây cà phê, rau màu các loại. Do đó, trên cơ sở Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của BCH Đảng bộ huyện, ngành Nông nghiệp huyện Chư Păh sẽ hỗ trợ người dân đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các loại cây trồng cụ thể.

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Păh nói: “Chúng tôi tham mưu cho UBND huyện hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai Đề án nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó phát triển về cây cà phê tưới nước nhỏ giọt và quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, chúng tôi cũng phát triển ở các loại cây ăn quả và một số loại cây trồng khác,như là dưa lưới ở xã Ia Nhin, dâu tây ở xã Nghĩa Hưng. Trên cơ sở những mô hình này thì chúng tôi sẽ tuyên truyền nhân rộng ra. Còn đối với nguồn vốn thì chúng tôi sử dụng nguồn sự nghiệp nông nghiệp và vốn chương trình nông thôn mới để hỗ trợ cho người dân”.

Tổng kinh phí Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 – 2025 của huyện Chư Păh là hơn 32 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách là trên 13 tỷ, còn lại hơn 19 tỷ là vốn đối ứng của doanh nghiệp và người dân khi tham gia. Trên cơ sở mục tiêu đề ra, BCH Đảng bộ huyện Chư Păh sẽ tổ chức đánh giá theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo tính khả thi khi thực hiện đề án.

Ông Nguyễn Quang Trường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Păh trao đổi: “Trên cơ sở đề án thì BTV Huyện ủy đã chỉ đạo cho các ngành, địa phương bám vào lộ trình để triển khai thực hiện cho đảm bảo. Hàng năm thì BTV cũng tham mưu cho BCH tiến hành sơ, tổng kết có đánh giá về việc thực hiện đề án; đặc biệt là đến năm thứ 3 thực hiện nghị quyết thì chúng tôi tiến hành sơ kết và đến cuối nhiệm kỳ sẽ có tổng kết và có báo cáo về thực hiện Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Chư Păh”.

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng chuyên canh các loại cây trồng, huyện Chư Păh cũng sẽ chú trọng phát huy hiệu quả của các hợp tác xã trên địa bàn để hình thành được các chuỗi liên kết giá trị gắn với việc xây dựng các sản phẩm OCOP để giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị từ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng trong vùng dân tộc thiểu số để giúp người dân cải thiện và nâng cao đời sống. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương./.

Đức Hải,  Phi Long   


Lượt xem: 39

Trả lời