Đak Đoa mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ

Cập nhật 02/6/2020, 08:06:40

Với chủ trương là khuyến khích nông dân liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, huyện Đak Đoa đang tập trung xây dựng các mô hình điểm về đầu tư thâm canh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tương ứng mỗi loại cây ít nhất 1 mô hình, tiếp tục mở rộng các hình thức liên kết sản xuất. Từ các mô hình sản xuất hữu cơ mang hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã chứng minh được hướng đi của mình, mở ra nhiều triển vọng để nâng tầm giá trị của sản phẩm ở địa phương.

Tiêu đỏ sấy bằng công nghệ hồng ngoại của anh Trần Quang Sơn ở xã Nam Yang là 1 trong 6 sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Đak Đoa. Anh Sơn phải mất nhiều năm để xây dựng thương hiệu Tiêu đỏ Trần Sơn bởi sản phẩm đòi hỏi cao từ khâu chăm sóc vườn cây phải thực hành hoàn toàn theo hướng hữu cơ, đến khâu  thu hái, sàng lọc cũng tốn kém, kỹ thuật chế biến sấy bằng công nghệ hồng ngoại phải lưu giữ được cả màu sắc lẫn vị. Hiện sản lượng tiêu đỏ trên thị trường không nhiều, quy trình sản xuất công phu nên giá trị của tiêu đỏ cũng cao gấp nhiều lần tiêu đen, đầu ra cho tiêu đỏ cũng rộng mở ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Anh Trần Quang Sơn – Xã Nam Yang, huyện Đak Đoa chia sẻ: “Mình tự nghiên cứu, tự tiếp cận thị trường từ đó nắm bắt xây dựng thương hiệu, cần rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành chức năng để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Từ khi chuyển qua làm tiêu đỏ nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu. Các doanh nghiệp ở Gia Lai bao tiêu sản phẩm của mình. Năm 2018 có xuất khẩu sang Pháp. Ngoài thị trường Gia Lai hiện có các kênh bán ở Hà Nội, đang tiến hành tìm nhà phân phối ở Huế, Đà nẵng. Nhiều đơn vị trong nước ký hợp đồng để phân phối sản phẩm tiêu của mình”.

Thời điểm giá cả 2 cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện là cà phê, hồ tiêu tụt giảm, bị sâu bệnh, nhiều diện tích kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng cây ăn quả. Trang trại Five – A ở địa bàn xã Glar là nơi tiên phong trên địa bàn huyện chuyển đổi đưa giống bơ Hass vào trồng. Với diện tích gần 30 ha được xây dựng theo tiêu chuẩn Viet Gap gồm 3 loại cây: Bơ, sầu riêng, mít thái trên một diện tích, đầu ra cho các loại cây trồng ở trang trại này tương đối ổn định. Đặc biệt giống bơ Hass từ Úc rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở đây nên cây phát triển tốt cho năng suất cao, bơ bảo quản được lâu hơn các loại  bơ khác.

Anh Trương Văn Công – Quản lý kỹ thuật Trang trại Five – A, xã Glar, huyện Đak Đoa cho biết: “Hiện tại trang trại bước sang năm thứ 3 đạt chuẩn Viet Gap. Sau khi ra thị trường mình có tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên hiện sản phẩm chưa nhiều đang xuất ra 2 thị trường chính là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Có 2 thương gia Nhật và Singapore vào tận đây đặt hàng nhưng hàng mình chưa đủ sản lượng cho họ nên không thể xuất khẩu. Mình mong muốn làm sao chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào trồng cây bơ Hass để có sự liên kết trong sản xuất có đủ số lượng xuất khẩu”.

Ông Lê Tấn Hùng – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Đoa cho biết: “Đối với việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ huyện đã có chủ trương định hướng người dân liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ.  Đối với các sản phẩm OCOP,  trong năm 2020 tiếp tục hỗ trợ cho 6 sản phẩm xây dựng thương hiệu. Trọng tâm sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian tới là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện tại huyện đang triển khai 6 dự án, hướng dẫn các hộ dân liên kết với nhau để nâng cao giá trị sản xuất”

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, huyện Đak Đoa đang khuyến khích phát huy vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong việc đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi từ sơ chế, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường./.

Kim Châu, Huy Toàn


Lượt xem: 247

Trả lời